Hoàng Điệp mang 26 vệ sĩ khi đi diễn
Không chỉ 1 mà có tới… 26 vệ sĩ (trong đó có bạn trai) theo bảo vệ cô “chân dài” đình đám này khi cô tham gia biểu diễn tại một show diễn thời trang. Có vẻ như “Nữ hoàng sắc đẹp 2009” rất thích gây ồn ào…
“Không chỉ trong show diễn này mà trong các show diễn khác, sẽ luôn có đội vệ sĩ đi theo Điệp mọi lúc mọi nơi. Sở dĩ Điệp làm vậy là bởi muốn tránh những chuyện đáng tiếc nếu lỡ có xảy ra?!”, Hoàng Điệp tâm sự về việc vì sao cô lại mang theo đội vệ sĩ khi đi diễn như vậy.
Điểm lại chặng đường đã đi qua kể từ sau khi đăng quang tại cuộc thi Nữ hoàng sắc đẹp 2009, phải nói rằng Hoàng Điệp đã gây không ít sự ồn ào trong làng giải trí Việt.
Đầu tiên là khi Hoàng Điệp trở về Việt Nam sau khi đăng quang Nữ hoàng sắc đẹp, cô gây chú ý bởi cuộc đón tiếp khá long trọng mà bạn trai cô đã chuẩn bị sẵn với đội xe mô tô và còi hú. Và tiếp sau đó, những ồn ào xung quanh tin đồn chuyện tiền thưởng của cuộc thi cũng ảnh hưởng không nhỏ tới hình tượng của Hoàng Điệp. Tuy nhiên, vượt qua những chuyện ồn ào đó, Hoàng Điệp đã có những dấu ấn có thể nói là khá thành công trên con đường thời trang của mình.
Những tưởng Điệp sẽ “yên phận” với những thành công mà mình đã đoạt được nhưng không, một thời gian sau đó, giới hâm mộ lại được một phen giật mình khi nghe cô tuyên bố sẽ theo con đường ca hát. “Khi đứng hát trên sân khấu, Điệp thấy rất hào hứng và Điệp thực sự mong trở thành ca sỹ chuyên nghiệp chứ không phải là “người đẹp hát”. Điệp muốn hát nhiều thể loại nhạc nhưng thể loại Điệp yêu thích và theo đuổi chính là dòng nhạc trữ tình”, Hoàng Điệp tuyên bố trong một cuộc trả lời phỏng vấn với báo Dân trí.
Khi con đường ca hát chưa thấy đâu và hình ảnh có chiều hướng đi xuống thì Hoàng Điệp lại gây ồn ào khi cô đi diễn với một đội vệ sĩ theo bảo vệ mà dẫn đầu chính là anh chàng… bạn trai của cô.
Phan Anh
Chuyện bảo vệ chính khách: Vệ sĩ Bắc Kinh
Lực lượng bảo vệ chuyên nghiệp bảo vệ cho các lãnh đạo Trung Quốc là cả một thế giới kỳ bí.
Cục Cảnh vệ Trung ương Trung Quốc (CGB) phụ trách các vấn đề an ninh cho giới lãnh đạo cấp cao Trung Quốc cũng như bảo vệ các cơ sở của đảng và nhà nước nước này, đặc biệt là khu Trung Nam Hải ở Bắc Kinh. Lâu nay, việc tìm hiểu về lực lượng Cảnh vệ trung ương Trung Quốc luôn là một thách đố cam go chẳng khác gì đột nhập qua các vành đai bảo vệ mà họ thiết lập nên. Các nguy cơ an ninh đối với giới lãnh đạo Trung Quốc cũng hầu như không được công bố. Điều này rất khác với Mỹ. Lực lượng Mật vụ đảm trách an ninh cho giới lãnh đạo Washington thường không quá bí hiểm để tìm hiểu. Các nguy cơ an ninh đối với lãnh đạo Mỹ cũng thường được loan đi rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Lịch sử thăng trầm
Theo sử liệu, khởi nguồn của CGB ngày nay là Ban Cảnh vệ của Đảng Cộng sản TQ được thành lập vào năm 1947, phụ trách công tác bảo vệ an ninh cho nhà lãnh đạo Mao Trạch Đông cũng như một số nhân vật cấp cao khác. Đến tháng 3.1953, giới lãnh đạo Trung Quốc đã quyết định cải tổ hệ thống an ninh của đảng và chính phủ theo mô hình Liên bang Xô Viết. Điều này đã dẫn tới sự ra đời của Cục 9, tương tự như Cục 9 của KGB bên Liên Xô. Cùng lúc, Trung đoàn Cảnh vệ Trung ương với nhiệm vụ bảo vệ trụ sở đảng và chính phủ ra đời. Cả hai cơ quan này ban đầu trực thuộc Bộ Công an.
Cục 9 của Trung Quốc đảm trách an ninh cho các nhân vật cấp cao như Mao Trạch Đông, Lưu Thiếu Kỳ, Chu Ân Lai, Chu Đức. Đảm bảo an ninh cho các nhân vật thấp hơn là nhiệm vụ của Cục 8, cũng trực thuộc Bộ Công an. Đến tháng 4.1964, hai cơ quan này được sáp nhập và trở thành một Cục 9 mới, nhưng đến năm 1969 thì bị giải thể. Sau đó, Văn phòng Cảnh vệ Trung ương được thành lập trực thuộc Quân giải phóng nhân dân, đặc trách nhiệm vụ bảo vệ ông Mao và các vị trong Ban Thường vụ Bộ Chính trị Trung ương đảng.
Trong các sự kiện lịch sử như Cách mạng văn hóa và vụ lật đổ “Bè lũ bốn tên” vào năm 1976, Văn phòng Cảnh vệ Trung ương đều đóng những vai trò chủ chốt. Sau khi quyền lực của “Bè lũ bốn tên” bị xóa sổ, văn phòng này đã được nâng cấp thành Cục Cảnh vệ Trung ương vào năm 1977, và bộ phận bảo vệ cơ quan trung ương được nâng cấp thành Sư đoàn Cảnh vệ Trung ương, với lực lượng khoảng 8.000 người được tổ chức thành 7 đại đội. Đến năm 1982, Sư đoàn Cảnh vệ Trung ương lại được chuyển thành Trung đoàn Cảnh vệ Trung ương.
Vệ sĩ Trung Quốc tập luyện – Ảnh: Defencetalk.com
Trong lịch sử, CGB đã thực hiện nhiệm vụ bảo vệ yếu nhân suốt những giai đoạn an ninh trong và ngoài nước Trung Quốc có nhiều biến động. Đặc biệt là trong các thập niên 1960, 1970, 1980, khi bên ngoài là sự đối đầu giữa Trung Quốc với nhiều nước khác, bên trong là sự phức tạp về quyền lực giữa các lãnh đạo cấp cao. Điều đó đã đặt lên vai CGB những trách nhiệm nặng nề và nhiệm vụ của lực lượng này cũng được “điều chỉnh” cho phù hợp với tình hình và với đòi hỏi cụ thể của thượng cấp. Nhiều lúc CGB không chỉ đơn thuần thực hiện nhiệm vụ bảo vệ yếu nhân.
Ngày nay, CGB là một cơ quan độc lập thuộc quân đội, còn có tên khác là Đơn vị 57003. CGB đóng ở trung tâm và vùng tây bắc Bắc Kinh nhưng lại không thuộc quân khu này mà trực thuộc Bộ Tổng tham mưu. Chỉ huy CGB là một thiếu tướng quân cảnh. CGB hiện phụ trách bảo vệ an ninh cho khoảng gần 10 lãnh đạo cấp cao nhất cùng gia đình của họ. Trong đó, Đại đội Vệ sĩ thuộc CGB phụ trách công tác an ninh thường trực cho các nhà lãnh đạo cấp cao mỗi lúc họ xuất hiện trước công chúng, bất kể là ở trong nước hay ngoài nước. Nhân vật được bảo vệ quan trọng nhất hiện nay là ông Hồ Cẩm Đào – Chủ tịch nước và Tổng bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc, cũng là Chủ tịch Quân ủy Trung ương. Những nhân vật khác được CGB bảo vệ còn có Thủ tướng Ôn Gia Bảo, Chủ tịch Quốc hội Ngô Bang Quốc, Chủ tịch Chính hiệp Giả Khánh Lâm.
Trung đoàn Cảnh vệ Trung ương trực thuộc CGB nhưng không đảm trách việc bảo vệ một nhân vật cụ thể. Nhiệm vụ chính của lực lượng này là bảo vệ các cơ sở như khu vực Trung Nam Hải, Đại Lễ Đường Nhân Dân, lăng Mao Trạch Đông, phối hợp với bên công an.
Công tác bảo vệ
Cũng tương tự như các lực lượng bảo vệ nguyên thủ quốc gia khác trên thế giới, các cận vệ của lãnh đạo Trung Quốc mặc thường phục, thường là com-lê hoặc áo choàng. Lúc ra ngoài trời, họ đeo kính đen và có hệ thống liên lạc siêu gọn. Lực lượng này được huấn luyện võ thuật và khả năng sử dụng vũ khí điêu luyện. Khống chế và bắn diệt mục tiêu, sơ tán và che chở yếu nhân, thâm nhập vào đám đông để nhận diện mối đe dọa, thu thập thông tin tình báo là những kỹ năng được đặc biệt coi trọng. Các loại vũ khí đặc dụng bao gồm súng cỡ nhỏ, vũ khí lạnh, vũ khí không giết người, áo giáp và các loại súng hỏa lực mạnh. Mỗi lần lãnh đạo Trung Quốc ra nước ngoài, đội ngũ an ninh đi theo khoảng chừng 40 người. Họ đảm trách công tác an ninh vòng trong và phối hợp với lực lượng nước sở tại ở một số khâu khác. Lực lượng này chủ yếu là nam, nhưng cũng có không ít nữ.
Để đảm bảo an ninh, các lãnh đạo trên thế giới thường xuyên đổi lịch trình và lộ trình vào giờ chót một cách bất ngờ. Tuy nhiên, theo nhiều nguồn tin báo chí từng chứng kiến các chuyến công du nước ngoài của lãnh đạo Trung Quốc thì phần lớn lịch trình và lộ trình của các yếu nhân Bắc Kinh đều khá cố định. Công tác bảo vệ được thực hiện theo một lập trình ít khi thay đổi.
Trong các chuyến công cán nước ngoài của lãnh đạo Trung Quốc, đội ngũ an ninh thường mang theo thực phẩm và các công cụ làm bếp để chuẩn bị món ăn. Công tác kiểm tra an toàn thực phẩm cũng được triển khai một cách chặt chẽ. Thông thường, có một đội chuyên gia hóa thực phẩm phụ trách khâu này. Ở trong khách sạn, thường thì đoàn Trung Quốc sẽ “trưng dụng” một nhà hàng.
Chủ tịch nước Trung Quốc hiện thường di chuyển bằng một chiếc BMW 7 series và một chiếc Mercedes-Benz S Class. Những chiếc chuyên xa này đều được thiết kế vỏ chống đạn đặc biệt cũng như những hệ thống an ninh tối tân khác mà một chiếc xe thông thường cùng loại không thể có. Trong những dịp đặc biệt, Chủ tịch Trung Quốc sử dụng một chiếc chuyên xa Hồng Kỳ, tương tự như chiếc Cadillac One của Tổng thống Mỹ.
Cũng như lãnh đạo các quốc gia khác, lãnh đạo Trung Quốc thường xuyên đối mặt với những nguy cơ an ninh nghiêm trọng. Nguy cơ này có thể đến từ lực lượng của chính phủ nước ngoài, các tổ chức chống đối trong và ngoài nước. Mới đây, một sự cố an ninh đã xảy ra trong chuyến công du đến Anh của Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo. Khi ông đang phát biểu tại Đại học Cambridge thì một sinh viên đã ném giày lên sân khấu. Lực lượng cận vệ Trung Quốc cùng các nhân viên an ninh bản địa đã nhanh chóng khống chế được thủ phạm. Vụ việc này đã không đi xa hơn vì thủ phạm chỉ là một sinh viên.
Lực lượng cận vệ của CGB được đào tạo thiện chiến, nhưng nói chung trong lịch sử, họ ít khi phải động thủ một cách trực tiếp như các đồng nghiệp ở Washington trong các vụ ám sát hoặc tấn công bạo lực nhằm vào người đứng đầu nước Mỹ. Phần lớn các âm mưu đều được người Trung Quốc hóa giải từ xa. Hãng tin CNA hồi tháng 10 dẫn hồ sơ giải mật tại Trung Quốc cho hay ông Đặng Tiểu Bình từng đối mặt với ít nhất 7 âm mưu ám sát, trong đó có những vụ xả súng vào tư dinh. Tuy nhiên, phần lớn những sự kiện đó xảy ra trong giai đoạn cuối thập niên 1960 và đầu thập niên 1970, là trong thời gian ông Đặng bị mất quyền lực, nên về lý thuyết thì không nằm trong phạm vi trách nhiệm của CGB.
Châu Minh Linh
Mốt… vệ sĩ riêng
Trước đây, chuyện thuê vệ sĩ riêng thường chỉ phổ biến trong giới “đại gia”, các VIP… hoặc ít ra cũng là những người lắm tiền nhiều của. Nhưng bây giờ, chuyện thuê vệ sĩ riêng đang trở thành mốt khi những người chỉ có mức sống “thường thường bậc trung” và cả những nông dân mới bán đất cũng bỏ tiền ra thuê vệ sĩ.
Dạo này, mỗi khi xuất hiện trước đám đông hay đi dự tiệc, họp mặt bạn bè, thậm chí đi nhậu…, người ta thấy đứng kè kè cạnh ông T.M.H., chủ quán phở HA trên đường Lý Thường Kiệt (quận Tân Bình, TP.HCM), là một chàng trai lực lưỡng trông rất ngầu. “Vệ sĩ riêng của tôi đấy” – ông H. giới thiệu đầy hãnh diện.
Mốt
Ông H. quyết định thuê hẳn một vệ sĩ riêng cách đây bốn tháng với giá 10 triệu đồng/tháng từ Công ty bảo vệ Phước Bình. Lý do ông H. đưa ra để thuyết phục gia đình cũng như giải thích với bạn bè về việc thuê vệ sĩ riêng thật đơn giản: cách đây ít lâu ông từng nhận được một vài tin nhắn đe dọa tính mạng mà ông nghi ngờ có thể từ “đối thủ”… bán phở cạnh tranh của mình.
“Thời buổi làm ăn khó khăn này khó ai có thể lường trước những kẻ thù ẩn mặt. Chẳng thà chịu tốn kém chút đỉnh mà an toàn tính mạng” – ông H. bảo. Nhưng đôi lần nhậu say, ông mới tâm sự thật lòng rằng ông thuê vệ sĩ vì cả nhóm bạn ông chơi chung gần chục người ai cũng có vệ sĩ riêng.
Ông H. bảo bây giờ người ta không chỉ chứng tỏ “đẳng cấp” với nhau ở chuyện sắm một chiếc xe hơi, mua một miếng đất vùng ven hay căn nhà mặt tiền… mà còn ở việc có hay không có vệ sĩ riêng. “Chẳng lẽ mình lại không bằng bạn bè. Đi đâu cũng có vệ sĩ đi kèm trông oách lăm. Thôi kệ, chịu tốn kém nhưng nở mặt nở mày, cái gì cũng có giá của nó cả…” – ông H. nói.
Theo ông H., nhóm bạn ông có người là chủ cửa hàng buôn bán vật liệu xây dựng, chủ quán cà phê, buôn bán bất động sản, lại cũng có người ở nhà cho thuê xe du lịch…, thu nhập chỉ ngót nghét 30-40 triệu đồng/tháng mà vẫn thuê vệ sĩ riêng được còn ông tại sao không! Nhưng xem ra cái khoản “tốn kém chút đỉnh” vì thuê vệ sĩ lên đến chục triệu đồng của ông cũng không đơn giản chút nào vì sau khi “cân đối thu chi”, khoản thu nhập dư ra từ tiền bán phở hằng tháng để cất vào quỹ gia đình bị teo tóp đáng kể. Vợ ông trong dạ cũng héo hon nhưng bấm bụng cho vui lòng chồng.
Theo hợp đồng được ký kết, người vệ sĩ riêng này luôn túc trực bên ông H. 24/24 giờ mỗi ngày, bảy ngày trong tuần. Có nghĩa tất cả thời gian đi lại, ăn ngủ, nghỉ, gặp gỡ bạn bè… của ông H. đều nằm trong tầm bảo vệ của vệ sĩ. Ngay cả lúc ông H. đứng nấu phở, vệ sĩ của ông cũng âm thầm đứng trong một góc tường săm soi quan sát… khách.
Ông L.K.M., nhà bên khu vực Thủ Thiêm (quận 2, TP.HCM) vừa nhận tiền đền bù gần 20 tỉ đồng, nói: “Số tiền lớn quá, tuy đã gửi ngân hàng rồi nhưng tôi vẫn không yên tâm. Lỡ bọn xấu đe dọa, bắt cóc tống tiền mình thì sao”. Vậy là ông M. đến ngay Công ty bảo vệ Tân Hoàng ký hợp đồng thuê một vệ sĩ. Để trông giống “yếu nhân”, ông M. tậu một chiếc xe hơi đời mới trị giá 1 tỉ đồng cùng tài xế riêng. Khi đến bất kỳ chỗ nào, ông vừa bước xuống xe là cạnh bên có một vệ sĩ cao to đeo kính đen trông rất oách.
Bạn thân của ông M., ông T.V.B., nông dân ở Long Thạnh Mỹ, quận 9, vừa bán đất được hơn chục tỉ đồng cũng không chịu kém cạnh. Ông này vừa thuê vệ sĩ riêng với giá 12 triệu đồng/tháng.
Trước đây ông B. sống bằng nghề nông, từ dạo bán đất, có tiền rủng rỉnh và cũng chẳng còn công việc gì để làm, thời gian mỗi ngày của ông B. chủ yếu dùng vào việc đi cà phê cà pháo với bạn bè và gầy độ nhậu. Do vậy, vệ sĩ riêng của ông B. khá nhàn hạ, chủ yếu chỉ đi vòng vòng bảo vệ thân chủ ở các quán cà phê, quán nhậu vùng ven. Ông B. khẳng định với bạn bè ông thuê vệ sĩ hoàn toàn không phải để làm sang, theo mốt mà vì lo ngại người ta ám hại mình. Ông nói rặt kiểu chân quê: “Cả đời có mơ cũng không tưởng tượng nổi tui có số tiền lớn như vầy. Bởi vậy ngủ cũng không yên nên thuê vệ sĩ cho chắc ăn…”.
Không chỉ thuê vệ sĩ “trọn gói” dạng 24/24 giờ trong vài tháng hoặc cả năm, nhiều người có mức thu nhập trung bình lại chọn cách thuê vệ sĩ theo giờ hoặc theo ngày. Ông N.H.N., phó phòng kinh doanh của một công ty du lịch ở quận 10 (TP.HCM), vẫn thường thuê vệ sĩ theo giờ mỗi khi đi đến những nơi mà ông cảm thấy “không an toàn” hoặc muốn “chứng tỏ mình” với bạn bè. Với giá thuê vệ sĩ theo giờ của một số công ty vệ sĩ là 50.000-100.000 đồng/giờ, tối thiểu thuê trong năm giờ, ông N. chọn cách này để vừa với mức thu nhập hăng tháng chỉ hơn chục triệu đồng của mình.
Trong những tiệc nhậu quan trọng với đối tác làm ăn, ông N. oai vệ xuất hiện cùng một vệ sĩ. Sau tiệc nhậu, hết giờ nhậu cũng là hết giờ dịch vụ thuê vệ sĩ thì thân chủ và vệ sĩ sẽ đường ai nấy đi.
Chuyện người trong cuộc
Ông H. bảo có vệ sĩ riêng tuy “oai thì oai thật” nhưng lắm khi cũng rắc rối đủ điều. Thời gian đầu có vệ sĩ riêng thì thấy oách với mọi người, nhưng nhiều khi đâm ra khó chịu vì tất cả thời gian riêng tư của mình đều có người khác xen vào. Trong khi đó, theo hợp đồng thì 24/24 giờ vệ sĩ phải túc trực bên thân chủ. Một số người khách của ông H. có vẻ ngần ngại khi đến quán phở của ông do ánh mắt săm soi, dòm ngó của anh vệ sĩ. “Tôi mới ký kết lại hợp đồng với bên công ty bảo vệ về nội quy, giờ giấc cho phù hợp hơn. Bởi trước đây, cậu vệ sĩ cứ bám riết lấy mình vì cậu ta bảo nếu không như vậy sẽ bị công ty phạt” – ông H. nói.
Ông B. cũng hai lần đề nghị thay vệ sĩ vì người vệ sĩ đầu tiên có gương mặt quá “ngầu”, lại có vẻ khó chịu làm bạn bè và người thân của ông cũng ngại ngần khi tiếp xúc với ông. Còn người vệ sĩ thứ hai thì mang chuyện ông đi với bồ “nhí” báo lại cho bà vợ của ông.
“Một số người bạn của tôi từng bị vệ sĩ riêng lấy những thông tin mật, hình ảnh riêng tư rồi cung cấp cho đối thủ của họ hay tống tiền chính thân chủ của mình. Bởi vậy tôi chỉ chọn công ty bảo vệ nào có uy tín mới ký hợp đồng thuê vệ sĩ riêng“ – ông H. cho biết.
Anh Nguyễn Tiến Đạt, nhân viên vệ sĩ của Công ty Phước Bình, người vừa hoàn tất hợp đồng làm vệ sĩ riêng trong một năm cho thân chủ là chủ một quán ăn nhỏ ở quận 3, không nhận xét gì về thân chủ của mình vì theo anh, “đó là nguyên tắc nghề nghiệp”. Anh chỉ nhận xét chung rằng phong trào thuê vệ sĩ riêng ở Sài Gòn chưa xuất phát từ nhu cầu cần bảo vệ bản thân của một số người mà giống như là mốt nhiều hơn. “Tất nhiên, thân chủ đã thuê thì mình phải phục vụ hết mình và nghiêm túc đúng như hợp đồng đã ký kết. Tuy nhiên, có trong cuộc mới tận mắt chứng kiến lắm câu chuyện bi hài mà đôi khi người vệ sĩ riêng trở thành một thứ trang sức, tô điểm thân chủ mình nhiều hơn là cần bảo vệ họ”.
HOÀNG SƠN
Công ty SBC