Ngán cơ quan, chán công sở vì… bảo vệ như “bố thiên hạ”
Một ngày vài lượt ra vào, “đụng” mấy bác bảo vệ ở tòa nhà, Phan Thuý Thảo (TPHCM) và nhiều đồng nghiệp mất hết cả năng lượng để làm việc.
Nói ra không ai tin, nỗi ám ảnh lớn nhất của Phan Thúy Thảo, nhân viên tại văn phòng đại diện của một công ty về nước uống giải khát ở Phú Nhuận, TPHCM, khi đến công sở là… hai bác bảo vệ của tòa cao ốc.
Cao ốc này chỉ có 5 tầng, văn phòng công ty Thảo ở tầng hai. Bảo vệ kiêm giữ xe là người của chủ tòa nhà, không thuộc công ty nào ở đây. Khổ nỗi, đây lại là bộ phận làm cô và nhiều người ở đây mệt mỏi đến mức sợ ngán đi làm.
Mỗi lần đi làm, ra vào tầng hầm gửi, lấy xe là Thảo tụt hết mọi năng lượng. Cả hai bảo vệ, người thì hay quát tháo, hạch sách, chỉ đạo đủ thứ, hay chửi thề, nói những lời rất khó nghe.
Còn một bác lớn tuổi hơn chút thì kinh khỉnh hỏi không đáp, vẻ mặt lúc nào cũng khó chịu, cáu cẳm.
Họ đi làm ở đây, khách khứa đến giao dịch mà ra vào nhiều khi cứ như đến ăn nhờ ở đậu. Đã không ít phen, Thảo ấm ức đến phát khóc.
Có một vài người góp ý trực tiếp với hai bác nhưng cũng đâu vào đó. Nhiều khi còn xảy ra xung đột ở tầng gửi xe.
Thảo và một số đồng nghiệp cũng phản hồi lên quản lý, để họ làm việc lại với tòa nhà nhưng kiểu như “cha chung không ai khóc”.
Chị Lê Ngọc An, có con học tiểu học ở Q. Gò Vấp, TPHCM kể, mỗi sáng chiều đến đón đưa con, hay mỗi lúc có việc vào trường là chị bị căng thẳng vì bác bảo vệ ở trường.
Bác hạch sách, nói với phụ huynh trống không rất khó chịu, gây khó dễ cho khách khứa đến.
Chị nhiều lần chứng kiến bác xưng hô con kia, thằng kia… với học sinh, quát các em ầm ĩ.
“Tôi trao đổi với cô giáo và hòm thư góp ý ở trường. Nhưng chẳng biết họ có ghi nhận không mà thấy vẫn vậy. Đến con tôi phải đứng từ xa cho mình đỡ bực mình”, chị nói.
Bỏ quên “người gác cổng”
Tại không ít cơ quan, tòa nhà, chung cư nhiều mâu thuẫn, xung đột với người dân, khách hàng thường xảy ra ở ngay “mặt tiền”, trực tiếp đến người bảo vệ.
Ông Lê Ngọc Điệp, nguyên Trưởng phòng giáo dục tiểu học, Sở GD&ĐT TPHCM từng chia sẻ, đến một trường học, công sở hay cửa hàng thân thiện, có văn hóa hay không, trước hết phải từ người bảo vệ.
Thế nhưng trên thực tế, nhiều công sở, công ty, cửa hàng… đầu tư cải cách về chất lượng, hành chính, bỏ rất nhiều tiền để tìm CEO, nhân viên giỏi này kia nhưng không biết có khi mất điểm vì “người gác cổng”.
“Tôi từng đến một trung tâm anh ngữ lớn ở Bình Thạnh tìm hiểu về khóa học cho con. Cơ sở tốt, nhân viên, giáo viên năng động, chương trình học rất hay… Nhưng cuối cùng tôi tìm nơi khác vì bác bảo vệ”, chị Lê Thị Xuân cho biết.
Chị Xuân kể, bác bảo vệ ở đây gần 50 tuổi. Khách đến, bác không dắt xe giúp còn ngồi chỉ tay còn quát tháo như “bố thiên hạ”. Làm việc nơi có trẻ em mà ăn nói thô lỗ, phì phèo thuốc lá thì ai còn muốn đến.
Khi đến một cơ sở nào đó, người dân, khách hàng chưa chắc gặp giám đốc, quản lý, hiệu trưởng, người giỏi người tài ở công ty… nhưng ai cũng phải “đụng mặt” bảo vệ.
Thực tế, chưa nhiều nơi chú tâm đến bộ phận này. Bảo vệ thường không phải là
Theo một chuyên gia tâm lý, ngoài các chính sách, chế độ thì nhiều bảo vệ có tâm lý ức chế khi chính họ đánh giá công việc của mình chưa cao, nhiều người xem đây là việc tạm bợ. Từ đó, họ có thể có động thái gây khó dễ cho người khác. |
người của cơ quan, doanh nghiệp mà thường được thuê lại từ công ty cung cấp dịch vụ bảo vệ.
Bên cạnh những người có tác phong lịch sự và hoà nhã, một số vẫn coi như là “người bên lề”, thiếu sự gắn kết, nắm bắt văn hóa, cải cách của cơ quan, doanh nghiệp.
Kể cả chính sách, lương thưởng của họ cũng không phải do nơi họ trực tiếp làm việc chi trả nên phần nào cũng tác động đến thái độ làm việc.
Có nơi nghe phản hồi về bảo vệ cũng mặc kệ vì tâm lý cho rằng họ không phải người của mình, bộ phận này không trực tiếp xử lý công việc chuyên môn, không quan trọng.
Người bảo vệ vui vẻ, nhiệt tình, xởi lởi trong giao tiếp chính là nơi “ghi điểm” đầu tiên với các cơ quan, doanh nghiệp, cửa hàng…
Điều này, đòi hỏi các cơ quan, doanh nghiệp cần chú ý, quan tâm đến bộ phận này trong tuyển dụng, training, chính sách làm việc, sự gắn kết, đãi ngộ…