Điều kỳ diệu giữa tang thương Trà Leng
Ít nhất 3 vụ sạt lở núi liên tiếp xảy ra tại tỉnh Quảng Nam đã khiến 19 người chết, hàng chục người mất tích, hơn 33 người may mắn thoát chết
Do ảnh hưởng của bão số 9, trong ngày 28-10, tại 2 huyện miền núi Nam Trà My, Phước Sơn của tỉnh Quảng Nam đã xảy ra hàng loạt vụ sạt lở đất kinh hoàng.
Thoát chết trong gang tấc
Đến chiều 29-10, sau nhiều giờ đi bộ, phóng viên Báo Người Lao Động đã tiếp cận hiện trường vụ sạt lở kinh hoàng cướp đi sinh mạng của hàng chục người tại thôn 1, xã Trà Leng, huyện Nam Trà My.
Đoạn đường từ cổng chào xã Trà Leng đến nóc Ông Lục (thôn 1) dài chưa đầy 10 km nhưng xuất hiện vô số điểm sạt lở lớn nhỏ. Đất đỏ hòa với nước lũ đổ tràn từ đỉnh núi, nhiều đoạn sình lầy lút đến nửa người. Máy xúc, máy ủi cùng nhân lực được huy động tối đa với mục tiêu thông tuyến trong thời gian sớm nhất.
Sau khi vượt qua một ngầm nước, thôn 1, xã Trà Leng hiện ra hoang tàn, đổ nát. Ngôi làng bị san bằng. Lực lượng công binh cùng người dân nén nước mắt dùng tay trần, đào từng lớp đất, đá tìm kiếm thi thể người thân. Cách đó không xa, trên các ngọn đồi trồng quế, những nấm mồ mới được đào lên, phủ bạt vội vàng. Đây là nơi yên nghỉ của các nạn nhân. Họ được chôn ngay cạnh nhà ở nơi chôn nhau cắt rốn của mình.
Dường như vẫn chưa định thần sau khi thoát chết, bà Hồ Thị Diêu (trú thôn 1) kể rằng chiều 28-10, bà cùng chị gái trú bão ở nhà một người tên Sơn. Mưa to nhiều giờ, sấm chớp rền vang. Căn nhà 2 tầng tưởng vững chãi nhưng cũng rung lên liên hồi khiến bà không khỏi lo lắng.
Sau đó, bà Diêu bất ngờ nghe tiếng nổ lớn. Một tảng đá to lăn từ đỉnh núi xuống đè nát căn nhà đối diện. Bà chỉ vội kéo người chị và con trai đạp cửa bỏ chạy. “Lúc đó, tôi bị bùn đất đổ xuống, ép vào lồng ngực. Đau lắm nhưng cố nắm tay con trai chạy thẳng đến điểm trường nóc Ông Lục mới thoát chết. Ông Sơn cùng nhiều người trong căn nhà đó đến giờ vẫn chưa thể tìm ra” – giọng bà Diêu lạc đi vì sợ hãi.
“Cố gắng nhẹ chân vì đồng bào tôi còn nằm dưới đó!”
Trên đường vào nóc Ông Lục, phóng viên bắt gặp nhiều người dùng võng, cầm theo bình truyền nước vội vã đưa những nạn nhân còn sống sót ra ngoài. Vừa đưa một nạn nhân vượt hơn 15 km đường núi, anh Nguyễn Trọng Tấn (SN 1989, trú thôn 2, xã Trà Leng) cho biết từ 5 giờ cùng ngày, hàng trăm người dân đã tập hợp, cùng với chính quyền cứu hộ những người may mắn sống sót.
“Toàn thôn bị san phẳng như một sân đá bóng. Mọi người cố gắng gọi tên nhau, tìm kiếm người còn sống trong đống bùn đất. Đất lún, sình lầy nhưng ai cũng cố gắng nhẹ chân vì đồng bào tôi còn nằm dưới đó!” – anh Tấn nghẹn ngào.
Ở bên ngoài thôn, nén hương do ông Hồ Tấn Cường thắp cho em ruột là anh Hồ Văn Mười đã gần tàn. Ông Cường cho hay mấy hôm trước, anh Mười có hẹn giao củi cho một nhà tại thôn 1. Vì tránh trú bão, ông Cường không về. Hôm nay, khi nghe tin về Trà Leng, ông Cường linh tính chuyện không lành. Sau hơn 3 giờ băng rừng, ông Cường nhận được xác em trai.
“Cả nhà đã kịp thuê xe để đưa em về. Ngày trước, nó bảo đi có việc, tôi kêu lại nhưng không thấy nói gì, em trai tôi không nói gì với tôi cả lời sau cuối cùng. Thiên tai đòi hết cả làng đi cùng lúc, mẹ già, con thơ ở nhà còn không hay biết chuyện gì, ôi em trai tôi!” – ông Cường xúc động.
Đêm nay, nhiều người dân thôn 1, xã Trà Leng sẽ tạm trú tại điểm trường nóc Ông Lục, được lực lượng bộ đội Quân khu 5 hỗ trợ an toàn. Trong màn đêm tối mù mịt, người dân xã Trà Leng động viên nhau, nén nỗi đau để tiếp tục tìm kiếm những đồng bào còn nằm sâu dưới bùn đất.
ỗ lực tìm kiếm các nạn nhân còn lại
Vào thời điểm ở xã Trà Leng xảy ra sạt lở lớn thì ở xã Trà Vân của huyện Nam Trà My, 3 ngôi nhà thuộc thôn 1 cũng bị đất đá vùi lấp hoàn toàn. 8 người trong 4 gia đình tử vong. Ngôi làng này có 32 hộ, 215 nhân khẩu.
Ông Hồ Quang Bửu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, xác nhận cơ quan chức năng đã kết thúc tìm kiếm nạn nhân ở xã Trà Vân. Gia đình các nạn nhân đã tổ chức chôn cất 8 người tử nạn trong vụ sạt lở. Hình ảnh 8 chiếc quan tài xếp cạnh nhau, tiếng khóc ai oán cả một khoảng rừng khiến mọi người không khỏi đau lòng.
Chưa hết bàng hoàng sau 2 vụ sạt lở kinh hoàng ở huyện Nam Trà My và Bắc Trà My thì tin dữ ập đến. Thêm 1 vụ sạt lở đất khác ở thôn 3, xã Phước Lộc, huyện Phước Sơn khiến 11 người bị chôn vùi. Trong đó, đã tìm được 5 thi thể. Nhiều người đã may mắn chạy thoát nên giữ được tính mạng.
Dù sạt lở xảy ra chiều 28-10 nhưng tới sáng hôm sau, người dân trong thôn mới có thể cắt rừng ra trụ sở UBND xã Phước Lộc trình báo sự việc. Trước đó, chiều 28-10, 2 cán bộ xã Phước Lộc trong quá trình giúp dân sơ tán cũng bị sạt lở đất, rơi xuống suối mất tích hiện chưa tìm thấy thi thể.
Đến tối 29-10, lực lượng cứu hộ vẫn chưa thể tiếp cận được hiện trường vụ sạt lở đất. Lãnh đạo UBND huyện Phước Sơn thừa nhận dù đã tìm nhiều cách nhưng do đường bị sạt lở nghiêm trọng, nước sông suối lớn và chảy xiết, các lực lượng cứu hộ gặp rất nhiều khó khăn.
Trong đêm, các lực lượng cứu hộ đành phải nghỉ lại tại cây cầu mang tên Nước Mắt, nơi cách điểm sạt lở khoảng 30 km.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Hồ Quang Bửu cho biết có 21 người may mắn chạy thoát tại 2 vụ sạt lở kinh hoàng ở xã Trà Leng và Trà Vân, huyện Nam Trà My. Đây là 21 người trong số trong số 53 người được xem là mất tích như thông tin ban đầu.
Sau một ngày nỗ lực tiếp cận hiện trường, đến chiều 29-10, các lực lượng tìm kiếm cứu nạn cứu hộ sau khi tiếp tục đi bộ gần 4 km đã đến được thôn 1, xã Trà Leng, huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam. Họ đã cùng với người dân địa phương đã tìm được 12 người bị thương nặng và 6 thi thể , đều là người dân ở thôn 1, xã Trà Leng. Những người bị thương đang được đưa đi cấp cứu tại Trung tâm Y tế huyện Bắc Trà My. Thi thể những người thiệt mạng đã được bàn giao cho người thân và chính quyền để lo hậu sự theo phong tục địa phương.
“Nguyên nhân sự cố kinh hoàng này bước đầu được xác định là do lũ ống dẫn đến sạt lở núi” – ông Hồ Quang Bửu cho biết thêm.
Hiện tại ở xã Trà Leng vẫn còn 14 người mất tích. Thiếu tướng Nguyễn Đình Tiến, Phó Tư lệnh Quân khu 5, đang tiếp tục chỉ huy công tác tìm kiếm cứu nạn, trong khi đó đường đến xã Trà Leng vẫn còn hơn 3 km bị sạt lở nặng, gây ách tắc giao thông.
Các phương tiện cơ giới hạng nặng đã được ngành giao thông tỉnh Quảng Nam tăng cường trong đêm để san ủi bùn đá, dọn dẹp cây cối đổ ngã, thông đường để các lực lượng tìm kiếm cứu nạn vào hiện trường, đẩy nhanh công tác tìm kiếm, cứu hộ.
Ông Lê Trí Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, trong ngày đã ban hành công văn về việc khẩn trương triển khai công tác cứu hộ, tìm kiếm các nạn nhân bị vùi lấp do sạt lở đất tại huyện Nam Trà My, Phước Sơn. Ông Thanh yêu cầu các địa phương, đơn vị liên quan huy động mọi nguồn lực sớm tìm kiếm các nạn nhân bị mất tích, việc tìm kiếm phải bảo đảm an toàn. Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cũng yêu cầu tổ chức thăm hỏi, hỗ trợ gia đình có người mất, bị thương, hỗ trợ tổ chức mai táng cho các nạn nhân đã tìm thấy thi thể theo tập tục của người dân địa phương.
Chủ động di dời dân cư khỏi vùng nguy cơ sạt lở Tiếp theo Công điện số 1500/CĐ-TTg ngày 28-10, Thủ tướng Chính phủ vừa có Công điện 1503/CĐ-TTg yêu cầu khẩn trương cứu nạn, khắc phục hậu quả sạt lở đất trên địa bàn tỉnh Quảng Nam.Thủ tướng Chính phủ gửi lời thăm hỏi đến những người dân bị nạn và gửi lời chia buồn sâu sắc đến các gia đình có người thân bị thiệt mạng do sạt lở đất và biểu dương công tác tìm kiếm cứu nạn (TKCN) của các lực lượng.Để công tác TKCN các nạn nhân sạt lở đất được thực hiện khẩn trương, kịp thời, hiệu quả nhất, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và TKCN, Bộ Quốc phòng, Bí thư và Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, Tư lệnh Quân khu 5 và các đơn vị liên quan, tiếp tục tập trung chỉ đạo các lực lượng khẩn cấp tìm kiếm, cứu nạn các nạn nhân và phải bảo đảm tuyệt đối an toàn cho lực lượng tham gia TKCN. Các đơn vị tiếp tục rà soát, chủ động di dời dân cư ra khỏi các khu vực có nguy cơ sạt lở; theo dõi diễn biến thời tiết, kịp thời chỉ đạo triển khai công tác ứng phó mưa lũ, phòng tránh lũ quét, sạt lở đất, bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân, bảo đảm an toàn hồ đập và xử lý kịp thời các tình huống xấu có thể xảy ra. V.Duẩn |
200 công nhân thủy điện bị mắc kẹt Ngày 29-10, ông Nguyễn Mạnh Hà, Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy Quảng Nam, cho biết do nước lớn, 200 công nhân đang thi công công trình thủy điện Đăk Mi 2 đang bị mắc kẹt bên kia dòng sông Đăk Mi (huyện Phước Sơn).Các công nhân bị mắc kẹt theo từng tốp khác nhau và đang “kêu cứu” vì thiếu lương thực. Các lực lượng chức năng của huyện Phước Sơn đang đưa lương thực đến bên này sông Đăk Mi để tiếp tế cho các công nhân nhưng gặp một số khó khăn. Trong trường hợp xấu nhất, tỉnh Quảng Nam sẽ đề xuất Bộ Quốc phòng điều máy bay thả lương thực xuống cho các công nhân. |
Nguồn: https://nld.com.vn/thoi-su/dieu-ky-dieu-giua-tang-thuong-tra-leng-20201029235700461.htm