9X chê nghề bảo vệ
Nhu cầu tuyển bảo vệ ngày càng tăng cao sau hàng loạt vụ tấn công trường học ở Trung Quốc, riêng Bắc Kinh đã cần tới 13.000 nhân viên an ninh, nhưng ngày càng ít thanh niên muốn làm công việc này.
Theo báo cáo mới nhất của Cục Nhân lực và an ninh xã hội thành phố Bắc Kinh, hiện thành phố này cần 13.700 nhân viên an ninh, trong khi chỉ có 2.015 đơn xin vào vị trí này.
Sau hàng loạt vụ tấn công nhằm vào học sinh ở Trung Quốc vào thời gian gần đây, khoảng 2.000 nhân viên an ninh đã được đưa tới 500 trường mẫu giáo, tiểu học, trung học cơ sở vào giữa tháng 5 này. Nhưng đến khi đó, Bắc Kinh mới thấy rõ tình hình thiếu hụt trầm trọng nhân viên bảo vệ.
Yin Cheng, giám đốc công ty TNHH Dịch vụ An ninh Jinwei ở Bắc Kinh cho biết từ năm 2008 đổ về trước, công ty nhận ít nhất 30 đơn xin việc mỗi tháng. Nhưng đến năm ngoái, họ chỉ nhận được khoảng 10 đơn xin việc mỗi tháng.
“Còn năm nay, chúng tôi chỉ nhận được khoảng 3 đơn xin việc mỗi tháng. Thời điểm hiện tại, khó có thể tuyển đủ nhân viên an ninh ở Bắc Kinh”. Theo ông Yin, mặc dù mức lương cho nhân viên an ninh tăng từ 500 nhân dân tệ (khoảng 1,5 triệu đồng)/tháng tới 1.200 nhân dân tệ (3,6 triệu đồng)/tháng trong vòng 3 năm qua, nhưng vẫn rất ít nam thanh niên muốn làm công việc này.
Một nhân viên bảo vệ đứng canh gác bên ngoài một trường tiểu học ở Bắc Kinh. |
“Bố mẹ của những thanh niên thế hệ 9x không muốn con họ làm việc quá nặng nhọc”, ông Yin nhận xét. Tuy nhiên số lượng khách hàng yêu cầu nhân viên an ninh lại tăng 20% trong hai năm qua.
5 năm trước, nhiều bảo vệ ở Bắc Kinh thường là người Hà Nam và Sơn Đông, nhưng nay công ty của ông Yin chỉ có thể tuyển nhân lực từ những vùng kém phát triển hơn ở phía Tây Trung Quốc hoặc ở những vùng nghèo hơn ở tỉnh Hà Bắc.
“Ở phía nam Trung Quốc cũng đang rất thiếu nhân lực, và thanh niên có thể tìm việc với mức lương tốt hơn ở đó”, ông Yin cho biết. Thế hệ thanh niên hiện nay không muốn làm việc xa nhà. Nếu một người tìm được việc gần nhà, anh ta sẽ không nghĩ tới việc đến Bắc Kinh tìm việc nữa.
Nhiều người không muốn làm nhân viên bảo vệ nữa bởi đa số nhân viên an ninh thường làm những việc như gác cổng, “nghe thật chán”, ông Yin nói. Hiện, tiêu chuẩn tuyển bảo vệ đã dễ dàng hơn trước. Ba năm trước, chỉ những nam thanh niên tuổi từ 18-30, không tiền án, tiền sự, cao trên 1m70, mới được nhận vào đào tạo thành bảo vệ.
Lu Jianxin, 22 tuổi, một sinh viên an ninh công cộng, sắp tốt nghiệp một trường cao đẳng ở Phật Sơn, cho biết anh không bao giờ nghĩ sẽ trở thành một nhân viên bảo vệ, dù anh thường thực tập trong một đồn cảnh sát với chức danh là nhân viên bảo vệ.
“Đa số nhân viên bảo vệ mà tôi biết đều nói rằng mức lương 900 nhân dân tệ/tháng là quá thấp và họ sẽ làm công việc mà cảnh sát không muốn làm”.
Hồng Hạnh
(Theo China Daily)
Công ty dịch vụ bảo vệ SBC
Nghề bảo vệ: cung – cầu “lệch pha”
Trong khoảng 5 – 6 năm trở lại đây, nghề bảo vệ “gặp thời” và bỗng chốc trở thành một trong những nghề “hot” do nhu cầu của thị trường không ngừng tăng lên. Chỉ cần một cú click chuột vào các trang tuyển dụng việc làm, bạn có thể nhận thấy ngay những lời mời chào tuyển dụng nhân viên bảo vệ chuyên nghiệp. Tuy nhiên, cán cân nghề này vẫn nằm trong trạng thái “lệch”.
Nhu cầu không ngừng tăng
Hàng loạt các công ty tên tuổi như SBC, Hoàng Gia, Thắng Lợi, Đại Hùng, Long Mỹ liên tục đăng thông báo tuyển dụng bảo vệ chuyên nghiệp với số lượng không hạn chế. Thực trạng đó cho thấy nhu cầu lao động trong lĩnh vực này luôn luôn trong tình trạng cung không đủ cầu.
Anh Phạm Văn Đức – Trưởng phòng Hành chính nhân sự, công ty Dịch vụ bảo vệ chuyên nghiệp Thắng Lợi cho hay: “Việt Nam gia nhập WTO, các doanh nghiệp mới được thành lập tăng vọt, kể cả các công ty trong nước và công ty nước ngoài, chính vì thế mà nhu cầu nhân lực bảo vệ mấy năm gần đây tăng rất nhanh. Từ giờ đến cuối năm, chúng tôi còn cần phải tuyển tới hơn 400 nhân viên nữa mới đủ để đáp ứng nhu cầu của khách hàng”.
Xu hướng chung của các công ty trong nước cũng như các công ty liên doanh, các công ty nước ngoài là sử dụng bảo vệ chuyên nghiệp tại các công ty chuyên cung cấp dịch vụ bảo vệ thay vì sử dụng bảo vệ tự thuê rồi tự đào tạo.
Chị Mỹ Dung, giám đốc một doanh nghiệp tại Hà Nội giải thích: “Việc thuê nhân viên bảo vệ vừa giảm chi phí cho doanh nghiệp, lại nhẹ nhàng hơn trong khâu quản lý”.
Hiện tại cả nước có tới hơn 100 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bảo vệ chuyên nghiệp. TP.HCM chiếm 70% số lượng công ty bảo vệ trên cả nước và được đánh giá là chuyên nghiệp hơn các công ty bảo vệ miền Bắc.
Thu nhập của công việc bảo vệ khá hấp dẫn. Nếu như trước đây chỉ dao động từ 800.000 – 1,5 triệu đồng/tháng thì nay ngay trong quá trình học tập, đào tạo đã được hưởng lương thử việc ở mức 900 nghìn – 1,3 triệu đồng. Khi nhận công tác chính thức, mức lương dao động từ 1,5 – 2,7 triệu đồng/tháng.
Nữ giới cũng là đối tượng đang được các công ty bảo vệ chuyên nghiệp quan tâm. Tuy tỷ lệ tuyển chỉ vào 1/15 (15 nam thì tuyển một nữ) nhưng hiện nay, nhu cầu nữ bảo vệ đang tăng lên.
“Như siêu thị lớn Big C, mỗi đợt đặt hàng chúng tôi, họ cũng cần đến hàng chục nữ bảo vệ chuyên nghiệp. Những nữ bảo vệ này vừa có nghiệp vụ bảo vệ, lại vừa có vẻ đẹp nữ tính, nên rất cần cho những công việc tại cửa hàng siêu thị.
Hiện giờ chúng tôi còn thiếu khoảng 50 nữ bảo vệ cho các đơn đặt hàng sắp tới”, anh Hoàng Dương, nhân viên nhân sự của một công ty bảo vệ ở Hoàng Mai cho biết.
Hiện nay, nhiều công ty nước ngoài đã đặt hàng các công ty bảo vệ Việt Nam đào tạo cho họ những người bảo vệ chuyên nghiệp nhưng chuyên làm công tác quản lý, gọi là chỉ huy quản lý mục tiêu. Yêu cầu của những người giữ vị trí này khá cao, tối thiểu là: tốt nghiệp đại học, biết ngoại ngữ…
Anh Phạm Văn Đức, Trưởng phòng Nhân sự của công ty Bảo vệ Thắng Lợi cho biết: “Hiện nay các công ty nước ngoài chỉ thuê bảo vệ chuyên nghiệp người Việt, còn những người quản lý nhân viên bảo vệ thì họ lại thuê của các công ty bảo vệ nước ngoài, vì họ vẫn chưa tin tưởng vào chất lượng của chúng ta”.
Đào tạo chưa đáp ứng được đòi hỏi
Mặc dù ra đời từ giữa những năm 1990, nhưng phải đến giữa năm 2001, Thủ tướng mới ban hành Nghị định 14 về quản lý hoạt động và kinh doanh dịch vụ bảo vệ (DVBV). Sau đó Bộ Công an có Thông tư 07-2001 hướng dẫn thực hiện Nghị định 14.
Nhưng cả hai văn bản trên đều không đưa ra tiêu chuẩn cụ thể đối với một bảo vệ chuyên nghiệp.
Hiện nay, dù đã là một nghề thật sự nhưng chưa có một chương trình đào tạo bài bản nào cũng như một chứng chỉ nghề được công nhận theo đúng tiêu chuẩn “bảo vệ chuyên nghiệp” của Việt Nam.
Thiếu úy Nguyễn Văn Khoa, giáo viên Trường đào tạo nghề khu vực phía Nam trực thuộc Bộ Tổng tham mưu, Bộ Quốc phòng đóng tại phường Long Bình Tân thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai, là một trong những trường hiếm hoi đào tạo và cấp chứng chỉ nghề “bảo vệ chuyên nghiệp” cho biết, để tốt nghiệp khóa đào tạo, học viên phải vượt qua 11 môn học trong thời gian ít nhất ba tháng.
Trong đó, những môn như võ thuật, phòng cháy chữa cháy, sơ cấp cứu, nghiệp vụ bảo vệ… là những môn học bắt buộc.
Nghề kinh doanh dịch vụ bảo vệ là một nghề đặc biệt. Công an là đơn vị cấp phép và quản lý. Tuy nhiên, việc quản lý chủ yếu cũng chỉ về mặt hình thức, hành chính. Về đào tạo, các công ty, doanh nghiệp tự đảm nhận nên chưa tạo ra mặt bằng chất lượng chung.