Gần ba triệu người nhiễm nCoV toàn cầu
Thế giới ghi nhận gần ba triệu ca nhiễm nCoV, trong đó hơn 206.000 người chết, dịch bệnh tại một số vùng có dấu hiệu tích cực.
Theo thống kê của Đại học Johns Hopkins, 210 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận 2.965.363 ca nhiễm nCoV, trong đó 206.265 ca tử vong, tăng lần lượt 77.469 và 3.897 trường hợp so với một ngày trước. 863.464 người đã bình phục.
Mỹ tiếp tục là vùng dịch lớn nhất thế giới với 963.379 người nhiễm và 54.810 ca tử vong, tăng lần lượt 29.446 và 1.361.
Mỹ đã tiến hành khoảng 1,2 triệu xét nghiệm từ 6 đến 22/4, gấp 6 lần so với một tháng trước. Tuy nhiên, các chuyên gia y tế cho rằng con số này vẫn chưa đủ.
Các bang như Alaska, Georgia, Oklahoma và một số bang khác đã bắt đầu mở cửa lại cửa hàng bán lẻ, công viên, bãi biển từ hôm 24/4. Giám đốc Viện Dị ứng và Bệnh truyền nhiễm Quốc gia Anthony Fauci cảnh báo Mỹ phải “xem xét cẩn thận” cách quay về tình trạng bình thường và “suy nghĩ nghiêm túc” về các biện pháp mở cửa lại.
Tổng thống Donald Trump hồi giữa tuần trước tuyên bố các hướng dẫn cách biệt cộng đồng có thể kéo dài tới sau 1/5 nếu ông cảm thấy đất nước chưa an toàn, nói thêm rằng tình hình dịch bệnh tồi tệ sẽ kết thúc vào đầu mùa hè.
Tây Ban Nha xác nhận thêm 2.870 người dương tính với nCoV, nâng tổng số ca nhiễm toàn quốc lên 226.629, trong đó 23.190 người chết, là vùng dịch lớn thứ hai thế giới về số ca nhiễm và thứ ba thế giới về số người chết. Thêm 288 ca tử vong mới, giảm so với 378 ca một ngày trước và là mức tăng thấp nhất trong vòng một tháng qua ở nước này.
Theo giới chức y tế, Covid-19 ở Tây Ban Nha đã đạt đỉnh vào 3/4, thời điểm họ báo cáo 950 ca tử vong mới trong vòng 24 giờ.
Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez tuyên bố sẽ nới lỏng các biện pháp phong tỏa trong bối cảnh số ca tử vong do nCoV có chiều hướng giảm. Từ 2/5 người dân sẽ được phép tập thể dục ngoài trời nếu số ca nhiễm nCoV vẫn tiếp tục giảm. Người dân sẽ có một giờ hoạt động ngoài trời dưới sự giám sát, trong khoảng thời gian từ 9h – 21h, phạm vi một km từ nhà họ.
Một người lớn có thể đi với tối đa với 3 trẻ em nhưng không được tới các khu vui chơi ngoài trời và phải tuân thủ nguyên tắc cách biệt cộng đồng, cách nhau ít nhất hai mét.
Italy ghi nhận 2.324 ca nhiễm và 260 ca tử vong mới, nâng tổng số lên lần lượt 197.675 và 26.644, xếp thứ ba thế giới về số ca nhiễm và thứ hai toàn cầu về số ca tử vong.
Chính quyền Italy dự kiến nới phong tỏa từ ngày 4/5. Nước này áp phong tỏa toàn quốc từ 9/3, buộc người dân phải ở nhà, hầu hết các doanh nghiệp phải đóng cửa, gây áp lực lớn cho nền kinh tế lớn thứ ba khu vực đồng euro.
Pháp, vùng dịch lớn thứ tư toàn cầu về cả số ca nhiễm và số người chết, xác nhận thêm 612 trường hợp nhiễm virus và 242 ca tử vong, nâng tổng số lên lần lượt 162.100 và 22.856.
Pháp sẽ cho phép một số trường học mở cửa trở lại sau 11/5 song những cơ sở kinh doanh không thiết yếu như quán cà phê, nhà hàng dự kiến tiếp tục ngừng hoạt động.
Đức, vùng dịch lớn thứ năm thế giới về số ca nhiễm và thứ 6 về số ca tử vong, báo cáo 157.495 ca nhiễm và 5.944 ca tử vong, tăng lần lượt 982 và 67 trường hợp. Đức được đánh giá phản ứng nhanh với Covid-19 và bước đầu kiểm soát dịch thành công. Tuy nhiên, Thủ tướng Angela Merkel cảnh báo cuộc chiến chống Covid-19 mới ở giai đoạn đầu và đại dịch dường như sẽ thành một phần cuộc sống trong thời gian dài.
Hôm 25/4, khoảng 1.000 người biểu tình phản đối các biện pháp phong tỏa ở Berlin, bất chấp lệnh cấm tụ tập nhằm ngăn chặn Covid-19 lây lan.
Anh phát hiện thêm 4.463 ca nhiễm nCoV, nâng tổng số lên 152.840. Nước này ghi nhận 20.732 ca tử vong, tăng 413 trường hợp.
Anh đang là vùng dịch lớn thứ sáu thế giới và đứng thứ năm về số ca tử vong sau Mỹ, Tây Ban Nha, Italy và Pháp. Anh chỉ tính những trường hợp chết trong bệnh viện nên số liệu thực tế có thể cao hơn vì nhiều người qua đời tại nhà và viện dưỡng lão.
Thủ tướng Boris Johnson đã bình phục và dự kiến quay lại làm việc vào ngày 27/4. Ông sẽ tiếp tục điều hành chính phủ trong bối cảnh nền kinh tế Anh đang chịu ảnh hưởng nghiêm trọng từ lệnh phong tỏa và số người người chết vì nCoV ở nước này tiếp tục tăng.
Cách đối phó của chính phủ Anh với Covid-19 hứng nhiều chỉ trích do xét nghiệm hạn chế và thiếu hụt thiết bị bảo hộ cho các nhân viên y tế. Ngoại trưởng Dominic Raab, người thay Johnson điều hành chính phủ khi ông điều trị Covid-19, hiện phải đối mặt với câu hỏi liệu Anh sẽ nới phong tỏa như thế nào để không gây ra làn sóng bùng phát dịch lần hai.
Iran tiếp tục là vùng dịch lớn nhất châu Á với 90.481 ca nhiễm. Nước này ghi nhận thêm 60 ca tử vong, đánh dấu ngày thứ 13 liên tiếp số ca tử vong hàng ngày dưới 100, nâng tổng số người chết lên 5.710.
Chính phủ Iran vẫn chưa cho phép trường học mở cửa trở lại cũng như tiếp tục cấm các hoạt động đông người như tụ họp văn hóa, tôn giáo và thể thao. Tuy nhiên, các trung tâm mua sắm, chợ và công viên nối lại hoạt động trong tuần này và cũng dỡ bỏ lệnh cấm đi lại liên thành phố.
Ấn Độ báo cáo 1.607 ca nhiễm mới và 57 ca tử vong, nâng tổng số ca nhiễm và tử vong toàn quốc lên lần lượt là 27.890 và 882.
Lệnh phong tỏa toàn quốc được áp đặt ở Ấn Độ từ ngày 25/3 và sẽ tiếp tục kéo dài đến ngày 3/5. Người nghèo Ấn Độ được cho là đối tượng bị ảnh hưởng nặng nề nhất do thất nghiệp và cũng không có phương tiện giao thông công cộng để trở về quê nhà.
Bộ Y tế Ấn Độ cho hay họ đang sử dụng phương pháp truy vết tiếp xúc và giám sát cộng đồng nhằm đối phó với các ca nhiễm không triệu chứng. Là quốc gia đông dân thứ hai thế giới, Ấn Độ được dự đoán sẽ bị dịch bệnh tàn phá nghiêm trọng nếu không có các biện pháp ứng phó mạnh tay.
Tại Đông Nam Á, Singapore tiếp tục là vùng dịch lớn nhất với 13.624 ca nhiễm, tăng 931 ca, đa phần là lao động nước ngoài trong các ký túc xá. Số người chết vì Covid-19 vẫn giữ nguyên là 12.
Giới chuyên gia nhận định Singapore cần duy trì đà giảm số ca nhiễm nCoV trong cộng đồng ít nhất tới tuần đầu tiên của tháng 5. Nhưng ngay cả khi đó, những cụm dịch trong các khu ký túc xá có thể vẫn là thách thức. Họ cảnh báo thêm rằng xu hướng giảm số ca nhiễm nCoV mới gần đây trong số lao động nhập cư không có gì đáng mừng, bởi việc xét nghiệm tại các ký túc xá đang giảm dần.
Quốc đảo 5,7 triệu dân là vùng dịch lớn nhất Đông Nam Á, đồng thời là một trong những nước có tỷ lệ lây nhiễm cao nhất châu Á. Chính quyền đang nỗ lực bố trí thêm không gian đặt giường bệnh cho các ca nhiễm tại những hội trường triển lãm lớn và cơ sở tạm thời khác.
Indonesia thông báo thêm 275 ca nhiễm mới nCoV, nâng số ca nhiễm toàn quốc lên 8.882. Nước này hiện ghi nhận 743 người chết do nCoV, tăng 23 người trong 24 giờ qua.
Bộ trưởng Tài chính Sri Mulyani Indrawati cho hay Indonesia đã hoãn thực hiện dự án di dời thủ đô trị giá 33 tỷ USD để tập trung nguồn lực đối phó Covid-19. Thủ đô Jakarta hôm 24/4 thông báo sẽ kéo dài cách biệt cộng đồng đến 22/5.
Philippines, vùng dịch lớn thứ ba Đông Nam Á, ghi nhận thêm 285 ca nhiễm và 7 ca tử vong do nCoV, nâng tổng số ca nhiễm và tử vong lên lần lượt 7.579 và 501. 862 trường hợp đã bình phục.
Tổng thống Rodrigo Duterte hôm 25/4 tuyên bố gia hạn phong tỏa ở thủ đô Manila cho đến ngày 15/5 để ngăn Covid-19, nhưng sẽ giảm bớt các hạn chế ở những khu vực có nguy cơ lây nhiễm thấp hơn.
Malaysia ghi nhận 5.780 ca nhiễm và 98 ca tử vong sau khi báo cáo thêm 88 ca nhiễm và không có ca tử vong nào trong 24 giờ qua. Chính phủ Malaysia đã áp lệnh phong tỏa toàn quốc, đi kèm với loạt biện pháp cách biệt cộng đồng để kiềm chế đại dịch.
Thái Lan báo cáo thêm 15 ca nhiễm nCoV, nâng tổng ca nhiễm cả nước lên 2.922. Số người chết do nCoV ở Thái Lan đang dừng ở mức 51, không ghi nhận ca tử vong mới sau một ngày.
Đông Timor và Lào tiếp tục là hai nước trong khu vực chịu ít ảnh hưởng nhất từ Covid-19, với lần lượt 23 và 19 ca nhiễm nCoV. Việt Nam, Campuchia, Đông Timor và Lào chưa ghi nhận ca tử vong nào.
Nguồn: vnexpress.vn
Sáng nay không thêm ca nhiễm nCoV
6h ngày 22/4, Bộ Y tế không ghi nhận ca dương tính nCoV, đánh dấu 6 ngày không ca nhiễm mới. 52 người đang điều trị.
Hôm qua, một người xuất viện tại TP HCM, đưa số người khỏi bệnh cả nước lên 216. Tổng số ca nhiễm là 268.
Các bệnh nhân còn lại đa số sức khỏe ổn định. 12 ca xét nghiệm một lần âm tính, 8 ca lần hai.
Dự kiến hôm nay 6 ca điều trị tại Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 được công bố khỏi bệnh.
Hơn 67.000 người đang được cách ly, trong đó tại bệnh viện 358 người, tại cơ sở tập trung hơn 18.000 người, số còn lại cách ly tại nhà hoặc nơi lưu trú.
Nguồn: vnexpress.vn
48 giờ không ghi nhận ca Covid-19 mới, 198 người khỏi bệnh
Tính đến 6h sáng 18/4, số ca mắc Covid-19 tại Việt Nam là 268 trường hợp, trong đó có 160 người có nguồn lây từ nước ngoài, 108 ca lây nhiễm thứ phát trong cộng đồng.
Cả nước hiện có 198 ca đã được công bố khỏi bệnh. 70 bệnh nhân đang điều trị tại các cơ sở y tế có 32 trường hợp xác định có nguồn nhiễm từ nước ngoài.
Như vậy, trong 48h qua, nước ta không ghi nhận thêm ca mắc mới. Đây là tín hiệu đáng mừng, cho thấy những hiệu quả bước đầu của việc áp dụng giãn cách xã hội.
Với 268 ca mắc, Việt Nam đang xếp vị trí 114 trên tổng số hơn 200 quốc gia, vùng lãnh thổ có ca mắc Covid-19. Nước ta cũng là 1 trong 2 quốc gia có trên 200 ca mắc, có bệnh nhân nặng nhưng chưa có trường hợp nào tử vong.
Trong số những bệnh nhân đang điều trị, 4 ca đã có 2 lần liên tiếp âm tính SARS-CoV-2 và 13 ca cũng đã âm tính nCoV lần đầu.
Cũng theo Bộ Y tế, Việt Nam hiện còn cách ly 69.045 người tiếp xúc gần ca xác định hoặc nhập cảnh từ vùng dịch, trong đó 324 trường hợp cách ly tại bệnh viện, 11.549 người cách ly tại các cơ sở tập trung khác, số còn lại đang cách ly tại nhà, nơi lưu trú.
Nguồn: Vietnamnet.vn
Sáng nay không ghi nhận thêm ca nhiễm nCoV
6h ngày 17/4, Bộ Y tế không ghi nhận thêm ca nhiễm nCoV, 91 người đang điều trị, 177 người khỏi bệnh.
Như vậy, 24 giờ qua không thêm ca nhiễm mới, sáu người khỏi bệnh. Tổng số ca nhiễm 268.
Dự kiến hôm nay 14 người tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương được công bố khỏi bệnh.
Với các ca đang điều trị, đa số sức khỏe ổn định. 14 ca xét nghiệm âm tính lần một, 19 ca âm tính lần hai.
Tình trạng của ba bệnh nhân nặng tốt lên. Trong đó, “bệnh nhân 20”, 64 tuổi, hiện đáp ứng tốt, gọi hỏi giao tiếp được. Ngày 16/4 bà đã nhận biết không gian, thời gian, bản thân tốt; không liệt, không phù, không sốt.
“Bệnh nhân 161”, 88 tuổi, thở máy qua nội khí quản, khi gọi hỏi bà giao tiếp chậm, liệt nửa người trái. Bác sĩ tiếp tục cho bệnh nhân tập thở, cơ lực còn yếu. Bà còn sốt từng cơn, tình trạng viêm xu hướng giảm.
“Bệnh nhân 91”, 43 tuổi, không sốt, thở máy, có nhịp tự thở, không chảy máu mũi miệng, kiểm soát rối loạn đông máu tạm ổn, hình ảnh chụp X-quang phổi không tổn thương xấu thêm.
Hạ Lôi vẫn là ổ dịch mới và lớn nhất hiện nay với 13 ca. Hôm qua, Hà Giang lần đầu tiên ghi nhận ca nhiễm – “bệnh nhân 268”, khiến tỉnh từ nhóm địa phương nguy cơ thấp chuyển sang có nguy cơ.
Trong các ca nhiễm, số bị lây trong cộng đồng là 108, chiếm 40%; 160 người từ nước ngoài về, chiếm 60%. Gần 74.000 người đang được cách ly, trong đó tại bệnh viện 369 người, tại cơ sở tập trung hơn 11.600 người, số còn lại cách ly tại nhà hoặc nơi lưu trú.
Nguồn: vnexpress.vn
Kiến nghị cách ly thêm một tuần các tỉnh, thành nguy cơ cao
Sáng 15/4, Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống Covid-19 kiến nghị Chính phủ tiếp tục cách ly xã hội thêm ít nhất một tuần với những địa phương nguy cơ cao.
Đề xuất trên dự kiến được báo cáo Chính phủ vào cuộc họp chiều cùng ngày.
Ban chỉ đạo đánh giá, nhờ thực hiện các biện pháp cách ly xã hội, Việt Nam đang kiểm soát được tình hình. Tuy nhiên, dịch bệnh trên thế giới dự báo còn kéo dài. Trong nước, diễn biến dịch và điều kiện các địa phương khác nhau. Do đó, Ban chỉ đạo nhận định không thể đánh xong một trận rồi về đi cày mà phải vững tay cày, chắc tay súng, tiếp tục thực hiện tốt hai mũi giáp công là vừa chống dịch, vừa phải bảo đảm cuộc sống người dân và các hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Tại cuộc họp, Ban chỉ đạo đã bàn thảo chi tiết về việc phân loại mức độ nguy cơ dịch bệnh các địa phương thành ba nhóm (nguy cơ cao, có nguy cơ và nguy cơ thấp), dựa trên các tiêu chí đã được tính toán kỹ lưỡng.
Các tiêu chí gồm: có đầu mối giao thông, mật độ đi lại lớn; có biên giới, nhiều người qua lại; những điểm trước đây tiếp xúc nhiều với người nước ngoài; mật độ dân cư; mật độ các nhà máy, khu công nghiệp tập trung…
Đặc biệt, có nhóm tiêu chí về năng lực ứng phó của chính quyền địa phương khi có ca bệnh; năng lực kiểm soát việc thực hiện các yêu cầu chống dịch từ trước đến nay.
Đồng thời, Ban chỉ đạo thống nhất tiếp tục đưa ra yêu cầu bắt buộc với cả nước như đeo khẩu trang, không tập trung đông người, giữ khoảng cách, bảo đảm vệ sinh dịch tễ… Một số loại hình dịch vụ kinh doanh, vui chơi giải trí chưa được phép hoạt động.
Tuỳ theo điều kiện và đánh giá nguy cơ của từng địa phương, lãnh đạo cấp tỉnh có thẩm quyền và trách nhiệm quy định các biện pháp bổ sung để vừa bảo đảm chống dịch, vừa phát triển kinh tế – xã hội.
Những sự kiện chính trị, kinh tế, xã hội, trong trường hợp thật cần thiết, sẽ được tổ chức theo hướng dẫn về giám sát y tế để bảo đảm an toàn.
Nhóm địa phương có nguy cơ và nguy cơ thấp có thể duy trì một số hoạt động sản xuất kinh doanh trên cơ sở bảo đảm an toàn vệ sinh dịch tễ.
Với hoạt động đi lại, Ban Chỉ đạo thống nhất tuỳ vào mức độ, nguy cơ từng địa phương sẽ có giới hạn cụ thể. Bộ Y tế phối hợp với Bộ Giao thông Vận tải đưa ra quy định chi tiết; tiếp tục thực hiện các giải pháp ngăn chặn dịch bệnh từ bên ngoài.
Ban chỉ đạo cũng đề xuất Thủ tướng xử lý nghiêm hành vi vi phạm quy định về phòng chống dịch, trong đó có việc xử phạt nguội qua camera
Hôm qua, nhóm 300 nhà khoa học, chuyên gia công nghệ thông tin đã phân tích dữ liệu, chia các tỉnh, thành theo 3 nhóm nguy cơ cao, có nguy cơ và nguy cơ thấp. Mức độ nguy cơ được xác định bởi nhiều chỉ số, trong đó có chỉ số năng lực phản ứng của địa phương.
Các chuyên gia khuyến nghị cần tiếp tục cách ly xã hội thêm một thời gian với nhóm địa phương nguy cơ cao. Hai nhóm còn lại sẽ được nới lỏng.
Khảo sát trên VnExpress với hơn 200.000 lượt độc giả tham gia từ 11/4 đến nay, 72% ý kiến đồng tình kéo dài thời gian giãn cách xã hội.
Quyết định cách ly xã hội lần đầu tiên được áp dụng trên toàn quốc từ 1/4 đến hết 15/4. Theo đó, Thủ tướng yêu cầu không tập trung quá 2 người nơi công cộng, đóng cửa các hoạt động kinh doanh, dịch vụ không thiết yếu tập trung đông người.
Người nhiễm nCoV toàn cầu vượt hai triệu
Thế giới ghi nhận hơn hai triệu ca nhiễm nCoV và hơn 119.000 người chết, dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp tại Mỹ và châu Âu.
Thống kê của Đại học Johns Hopkins cho thấy thế giới ghi nhận 2.019.320 ca nhiễm và 119.483 ca tử vong do nCoV tại 210 quốc gia và vùng lãnh thổ, đưa số ca nhiễm toàn cầu tăng gấp đôi so với số liệu ngày 3/4. Số người bình phục tăng thêm 22.289, lên 443.786 người.
Mỹ vẫn là vùng dịch lớn nhất thế giới với 581.679 ca nhiễm và 23.618 ca tử vong, tăng lần lượt 27.453 và 1.509 ca.
New York, bang chịu ảnh hưởng nặng nề nhất, báo cáo số ca tử vong đã vượt 10.000 trong tổng số hơn 188.000 ca nhiễm. Tuy nhiên, Thống đốc Andrew Cuomo tuyên bố “điều tồi tệ nhất đã kết thúc” bởi số ca tử vong, nhiễm mới và ca nguy kịch đều giảm.
Cuomo cùng thống đốc các bang New Jersey, Connecticut, Pennsylvania, Delaware và Rhode Island sau đó tổ chức cuộc họp chung để thông báo thành lập nhóm chuyên trách lên kế hoạch mở cửa trở lại.
Tại cuộc họp báo ở Nhà Trắng hôm 13/4, Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng cho biết sẽ công bố nhóm chuyên trách về kinh tế trong hôm nay để tập trung vào việc mở cửa trở lại đất nước trong những tuần tới.
Tây Ban Nha ghi nhận thêm 3.268 ca nhiễm và 547 ca tử vong trong 24 giờ qua, nâng số ca nhiễm và tử vong lên lần lượt 170.099 và 17.756, là vùng dịch lớn nhất châu Âu và thứ hai trên thế giới.
Chính phủ Tây Ban Nha đã cho phép một số doanh nghiệp sản xuất và xây dựng hoạt động trở lại. Tuy nhiên, phần lớn dân cư vẫn được yêu cầu ở trong nhà, các cửa hàng không thiết yếu và nơi công cộng sẽ tiếp tục đóng cửa đến ngày 26/4.
Thủ tướng Pedro Sanchez cho biết quyết định tái khởi động một số ngành kinh tế được thông qua sau khi tham khảo các chuyên gia khoa học. Những biện pháp tiếp theo sẽ được đưa ra tùy thuộc vào tình hình đối phó Covid-19.
Italy báo cáo thêm 566 ca tử vong, nâng số ca tử vong lên 20.465 và là nước thứ hai trên thế giới, sau Mỹ, ghi nhận ca tử vong vượt 20.000. Ca nhiễm tại Italy hiện là 159.516 sau khi báo cáo thêm 3.153 ca.
Sự gia tăng ca nhiễm mới giảm xuống mức dưới 2%, trong khi số bệnh nhân trong phòng chăm sóc tích cực giảm từ 4.068 xuống 3.260 đánh dấu sự cải thiện đáng kể trong tình hình dịch bệnh tại Italy.
Italy tuần trước gia hạn phong tỏa toàn quốc đến ngày 3/5. Quyết định này được các bác sĩ ủng hộ nhưng bị các doanh nghiệp phản đối. Italy hôm nay sẽ thí điểm mở lại một số hiệu sách và tiệm giặt ủi để xem hiệu quả của biện pháp cách biệt cộng đồng.
Pháp báo cáo thêm 4.188 ca nhiễm và 574 ca tử vong, nâng số ca nhiễm và tử vong lên lần lượt 136.779 và 14.967. Số ca tử vong tăng nhẹ nhưng vẫn thấp hơn con số kỷ lục của tuần trước, và bệnh nhân trong phòng chăm sóc tích cực cũng giảm.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron hôm qua quyết định gia hạn lệnh phong tỏa toàn quốc thêm một tháng để ngăn đại dịch, tới hết ngày 11/5. Sau khi lệnh phong tỏa hết thời hạn, các trường học và doanh nghiệp sẽ dần được mở cửa trở lại.
Số ca nhiễm và tử vong ở Đức hiện là 130.072 và 3.194 sau khi ghi nhận thêm lần lượt 2.218 và 172 ca. Đức đang hướng tới việc dỡ bỏ dần các hạn chế liên quan đến Covid-19 khi ca nhiễm mới giảm và ca tử vong thấp hơn nhiều so với các nước láng giềng ở châu Âu.
Thủ tướng Đức Angela Merkel và người đứng đầu 16 khu vực ngày mai sẽ quyết định liệu có gia hạn các hạn chế, dự kiến kết thúc ngày 18/4. Bộ trưởng Y tế Jens Spahn cuối tuần trước đưa ra biện pháp nới lỏng theo giai đoạn, song không nêu rõ những lĩnh vực nào trong nền kinh tế lớn nhất châu Âu có thể được nới dần hạn chế.
Anh ghi nhận thêm 717 người chết do nCoV trong 24 giờ qua, mức tăng thấp nhất trong nhiều ngày, nâng tổng số ca tử vong toàn quốc lên 11.329 trong số 88.621 ca nhiễm. Vùng dịch lớn thứ năm châu Âu và thứ sáu thế giới đã thực hiện hơn 367.000 xét nghiệm.
Các chuyên gia Mỹ cảnh báo Anh sẽ trở thành quốc gia hứng chịu hậu quả nghiêm trọng lớn nhất vì Covid-19 ở châu Âu, có thể chiếm hơn 40% ca tử vong ở châu lục. Họ nhận định các cuộc tranh luận về “miễn dịch cộng đồng” ở Anh đã khiến nước này chậm trễ đưa ra các biện pháp cách biệt cộng đồng để ngăn chặn dịch.
Trung Quốc báo cáo thêm 89 ca nhiễm mới, gồm 86 ca ngoại nhập, giảm so với 108 ca hôm qua. 79 ca ngoại nhập được ghi nhận ở tỉnh Hắc Long Giang, nơi có chung biên giới với Nga.
Số ca nhiễm tại Trung Quốc hiện là 82.249, trong khi số người chết không thay đổi, ở mức 3.341, do nước này không ghi nhận thêm ca tử vong mới.
Trung Quốc đang lo ngại các ca nhiễm ngoại nhập có thể kích hoạt đợt bùng phát dịch thứ hai và khiến đất nước trở lại tình trạng gần như tê liệt. Các thành phố Trung Quốc giáp biên giới Nga hôm 12/4 cho biết sẽ thắt chặt kiểm soát biên giới và các biện pháp kiểm dịch đối với người mới đến.
Hàn Quốc chưa công bố số liệu mới. Nước này hôm qua báo cáo số ca tái dương tính nCoV lên 116.
Các nước Đông Nam Á ghi nhận 20.001 ca nhiễm nCoV, tăng 769 ca trong một ngày, trong đó 844 người đã tử vong. Philippines thay Malaysia trở thành vùng dịch lớn nhất khu vực với 4.932 ca nhiễm và 315 ca tử vong. Malaysia ghi nhận 4.817 ca nhiễm và 77 ca tử vong.
Indonesia xếp thứ ba với 4.557 ca nhiễm và 399 ca tử vong, là quốc gia có tỷ lệ tử vong do nCoV cao thứ hai châu Á, chỉ sau Trung Quốc. Singapore xếp thứ tư với 2.918 ca nhiễm và 9 ca tử vong.
Giới chức y tế Thái Lan cho biết thêm 28 ca nhiễm, nâng tổng số lên 2.579, trong đó 40 người chết, tăng hai người so với hôm trước. Phần lớn các ca nhiễm mới được ghi nhận tại thủ đô Bangkok, trong đó có ba người từng đến Indonesia để tham gia buổi tụ họp tôn giáo hồi tháng 3.
Nguồn: vnexpress.vn
Số ca nhiễm nCoV lên 262
6h ngày 13/4, Bộ Y tế ghi nhận thêm hai ca dương tính nCoV, đều ở thôn Hạ Lôi, huyện Mê Linh, Hà Nội.
Như vậy, 24 giờ qua thêm 4 ca nhiễm mới, tổng số ca nhiễm lên 262, trong đó 118 người đang điều trị, 144 người đã khỏi.
Số ca nhiễm ở thôn Hạ Lôi lên 10. Họ được ghi nhận là các bệnh nhân 243, 250, 253, 254, 257, 258, 259, 260, 261 và 262. Hiện toàn bộ thôn với 11.077 người thuộc 2.711 hộ đã được cách ly.
“Bệnh nhân 261”, nữ, 60 tuổi, bán tạp hóa. Bà được lấy mẫu bệnh phẩm ngày 11/4, hôm sau kết quả xét nghiệm dương tính. Bệnh nhân điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2.
“Bệnh nhân 262”, nam, 26 tuổi, công nhân công ty Samsung ở Bắc Ninh. Ngày 27/3, anh tiếp xúc gần với người bác của mình là “bệnh nhân 254”. Ngày 31/3, anh xuất hiện ho khan, sốt, được lấy mẫu bệnh phẩm ngày 11/4, hôm sau kết quả xét nghiệm dương tính. Hiện, bệnh nhân cũng điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2.
Hôm qua, Sở Y tế Hà Nội điều động 15 đội đến hỗ trợ Trung tâm Y tế huyện Mê Linh khoanh vùng, cách ly và lấy mẫu xét nghiệm tại thôn Hạ Lôi. Ngành y tế đang tiếp tục điều tra dịch tễ.
Tính đến sáng nay, 118 người bệnh đang điều trị tại 14 cơ sở y tế cả nước. Trong đó 73 ca điều trị tại các bệnh viện tuyến trung ương, 39 ca tại tuyến tỉnh và 4 ca tuyến huyện. Các bệnh nhân hầu hết sức khỏe ổn định. 22 ca đã xét nghiệm âm tính với nCoV một lần, 16 ca âm tính lần 2.
Ba ca rất nặng gồm phi công người Anh phải can thiệp ECMO; một phụ nữ 64 tuổi và một phụ nữ 88 tuổi thở máy.
Nguồn: vnexpress.vn
Bộ Quốc phòng Mỹ chỉ đích danh tàu hải cảnh Trung Quốc đâm chìm tàu Việt Nam
“Bộ Quốc phòng Mỹ bày tỏ quan ngại sâu sắc trước các thông tin tàu hải cảnh Trung Quốc va chạm và đâm chìm tàu cá Việt Nam tại quần đảo Hoàng Sa”, Lầu Năm Góc mở đầu tuyên bố được phát đi ngày 9-4.
“Hành động của Trung Quốc trái ngược với tầm nhìn của Mỹ về một khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và cởi mở, trong đó tất cả các quốc gia, dù lớn hay nhỏ, đều được bảo đảm chủ quyền, không bị cưỡng ép và có quyền phát triển kinh tế phù hợp với các quy tắc và chuẩn mực quốc tế”, Bộ Quốc phòng Mỹ lập luận trong tuyên bố được đăng tải trên trang web chính thức.
“Mỹ sẽ tiếp tục các nỗ lực hỗ trợ đồng minh và những nước đối tác đảm bảo tự do hàng hải và các cơ hội phát triển kinh tế ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương”.
Tuyên bố tiếp tục nhấn mạnh việc đại dịch COVID-19 đang hoành hành thế giới đã cho thấy rõ hơn tầm quan trọng của “trật tự quốc tế dựa trên luật pháp”, bởi đây là nền tảng cho phép các nước giải quyết mối đe dọa chung một cách minh bạch, tập trung và hiệu quả.
“Chúng tôi kêu gọi tất cả các bên kiềm chế các hành động gây mất ổn định khu vực, có thể làm chệch hướng nỗ lực tập trung đối phó với đại dịch hoặc gây ra nguy cơ không cần thiết dẫn đến tổn thất về người và tài sản”, Lầu Năm Góc chốt tuyên bố.
Hôm 6-4, Bộ Ngoại giao Mỹ cũng phát đi một tuyên bố phản đối tương tự và chỉ đích danh tàu hải cảnh Trung Quốc là thủ phạm đâm chìm tàu cá Việt Nam.
Tuyên bố khi đó có đoạn nhấn mạnh Trung Quốc nên tập trung hỗ trợ các nỗ lực đối phó đại dịch toàn cầu, thay vì lợi dụng tình hình dịch bệnh có thể dẫn tới sự lơ là của các nước khác để “bành trướng các yêu sách bất hợp pháp trên Biển Đông”.
Bộ Ngoại giao Philippines liền tiếp đó ra tuyên bố thể hiện sự đoàn kết với Việt Nam và nhắc lại sự cố tàu cá nước này bị tàu Trung Quốc đâm chìm giữa biển khơi nhưng được tàu Việt Nam cứu sống.
Ngày 3-4, ngay sau khi xảy ra vụ tàu cá QNg 90617 TS cùng 8 ngư dân Việt Nam bị tàu hải cảnh Trung Quốc đâm chìm, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng nhấn mạnh Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa phù hợp với luật pháp quốc tế.
Ngay trong ngày 3-4, đại diện Bộ Ngoại giao đã giao thiệp với đại diện Đại sứ quán Trung Quốc và trao công hàm phản đối, yêu cầu phía Trung Quốc điều tra làm rõ, xử lý nghiêm đối với nhân viên công vụ và tàu hải cảnh Trung Quốc nêu trên, không để tái diễn những hành động tương tự, đồng thời bồi thường thỏa đáng các thiệt hại cho ngư dân Việt Nam.
Trump cám ơn Việt Nam
Trump thông báo 450.000 bộ quần áo bảo hộ đã được chuyển đến bang Texas, gửi lời cảm ơn Việt Nam và các công ty tham gia vận chuyển.
“450.000 bộ quần áo bảo hộ đã tới thành phố Dallas, bang Texas sáng nay. Điều này trở thành hiện thực nhờ sự phối hợp của hai công ty Mỹ là DuPont và FedEx, cùng những người bạn của chúng ta ở Việt Nam. Xin cám ơn”, Tổng thống Mỹ Donald Trump viết trên mạng xã hội Twitter hôm 8/4.
Đây là chuyến hàng thứ nhất trong số hai lô thiết bị bảo hộ, vật tư y tế được Việt Nam chuyển giao cho Mỹ. Bộ Y tế và Dịch vụ Dân sinh Mỹ trước đó ký hợp đồng với hãng chuyển phát nhanh FedEx để đẩy nhanh tốc độ chuyển hàng cho Kho Dự trữ Chiến lược Quốc gia Mỹ, nhằm giải quyết nhu cầu khẩn cấp của nhân viên y tế nước này, theo thông cáo hôm qua của đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam.
“Chuyến hàng này sẽ giúp bảo vệ các nhân viên y tế làm việc trên tuyến đầu chống Covid-19 tại Mỹ và chứng minh cho sức mạnh của quan hệ đối tác Việt – Mỹ”, Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Daniel Kritenbrink nói.
Mỹ hiện là vùng dịch lớn nhất thế giới với 423.135 ca nhiễm nCoV, trong đó 14.390 người tử vong. Số ca nhiễm và tử vong tăng nhanh gây áp lực rất lớn cho hệ thống y tế nước này, khiến nhu cầu về vật tư y tế, thiết bị bảo hộ tăng cao.
Covid-19 đã xuất hiện tại 209 quốc gia và vùng lãnh thổ sau khi khởi phát ở Trung Quốc tháng 12/2019, khiến hơn 1,5 triệu người nhiễm nCoV và hơn 88.000 người chết. Mỹ là vùng dịch lớn nhất thế giới với hơn 423.000 ca nhiễm và hơn 14.000 ca tử vong.
Sáng nay không ghi nhận thêm ca nhiễm nCoV
6h ngày 9/4, Bộ Y tế không ghi nhận thêm ca dương tính nCoV, tổng số bệnh nhân 251, hơn 50% số này đã khỏi bệnh.
Như vậy trong 24 giờ qua không ghi nhận ca nhiễm mới nào. Đây là lần đầu tiên trong hơn một tháng qua không thêm ca nhiễm mới trong 24 giờ. Tổng số bệnh nhân 251, trong đó 126 người đã khỏi, 125 người đang điều trị.
Trong số bệnh nhân đang điều trị, có 25 người xét nghiệm âm tính lần một; 17 người kết quả xét nghiệm âm tính lần 2, đủ điều kiện công bố khỏi. Năm ca thở máy, một phải lọc máu và can thiệp ECMO (hệ thống tuần hoàn oxy ngoài cơ thể). Chưa có bệnh nhân nCoV tử vong.
Dự kiến hôm nay thêm 2 bệnh nhân tại TP HCM ra viện. Hôm qua 4 người điều trị ở TP HCM được tuyên bố khỏi Covid-19.
Tính đến 6h, tổng số người được cách ly là 77.298. Trong đó, cách ly tập trung tại bệnh viện 642 người; cách ly tập trung tại cơ sở khác 27.790 người; cách ly tại nhà, nơi lưu trú 48.886 người.
Nguồn: Vnexpress.vn