Bộ Quốc phòng Mỹ chỉ đích danh tàu hải cảnh Trung Quốc đâm chìm tàu Việt Nam
“Bộ Quốc phòng Mỹ bày tỏ quan ngại sâu sắc trước các thông tin tàu hải cảnh Trung Quốc va chạm và đâm chìm tàu cá Việt Nam tại quần đảo Hoàng Sa”, Lầu Năm Góc mở đầu tuyên bố được phát đi ngày 9-4.
“Hành động của Trung Quốc trái ngược với tầm nhìn của Mỹ về một khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và cởi mở, trong đó tất cả các quốc gia, dù lớn hay nhỏ, đều được bảo đảm chủ quyền, không bị cưỡng ép và có quyền phát triển kinh tế phù hợp với các quy tắc và chuẩn mực quốc tế”, Bộ Quốc phòng Mỹ lập luận trong tuyên bố được đăng tải trên trang web chính thức.
“Mỹ sẽ tiếp tục các nỗ lực hỗ trợ đồng minh và những nước đối tác đảm bảo tự do hàng hải và các cơ hội phát triển kinh tế ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương”.
Tuyên bố tiếp tục nhấn mạnh việc đại dịch COVID-19 đang hoành hành thế giới đã cho thấy rõ hơn tầm quan trọng của “trật tự quốc tế dựa trên luật pháp”, bởi đây là nền tảng cho phép các nước giải quyết mối đe dọa chung một cách minh bạch, tập trung và hiệu quả.
“Chúng tôi kêu gọi tất cả các bên kiềm chế các hành động gây mất ổn định khu vực, có thể làm chệch hướng nỗ lực tập trung đối phó với đại dịch hoặc gây ra nguy cơ không cần thiết dẫn đến tổn thất về người và tài sản”, Lầu Năm Góc chốt tuyên bố.
Hôm 6-4, Bộ Ngoại giao Mỹ cũng phát đi một tuyên bố phản đối tương tự và chỉ đích danh tàu hải cảnh Trung Quốc là thủ phạm đâm chìm tàu cá Việt Nam.
Tuyên bố khi đó có đoạn nhấn mạnh Trung Quốc nên tập trung hỗ trợ các nỗ lực đối phó đại dịch toàn cầu, thay vì lợi dụng tình hình dịch bệnh có thể dẫn tới sự lơ là của các nước khác để “bành trướng các yêu sách bất hợp pháp trên Biển Đông”.
Bộ Ngoại giao Philippines liền tiếp đó ra tuyên bố thể hiện sự đoàn kết với Việt Nam và nhắc lại sự cố tàu cá nước này bị tàu Trung Quốc đâm chìm giữa biển khơi nhưng được tàu Việt Nam cứu sống.
Ngày 3-4, ngay sau khi xảy ra vụ tàu cá QNg 90617 TS cùng 8 ngư dân Việt Nam bị tàu hải cảnh Trung Quốc đâm chìm, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng nhấn mạnh Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa phù hợp với luật pháp quốc tế.
Ngay trong ngày 3-4, đại diện Bộ Ngoại giao đã giao thiệp với đại diện Đại sứ quán Trung Quốc và trao công hàm phản đối, yêu cầu phía Trung Quốc điều tra làm rõ, xử lý nghiêm đối với nhân viên công vụ và tàu hải cảnh Trung Quốc nêu trên, không để tái diễn những hành động tương tự, đồng thời bồi thường thỏa đáng các thiệt hại cho ngư dân Việt Nam.