About SBC

Anh bảo vệ bị dàn cảnh trộm cùng lúc 2 xe máy: ‘Em sẽ cố đền…’

Danh Tuấn (18 tuổi, quê Kiên Giang), người bảo vệ bị dàn cảnh trộm cùng lúc 2 xe ở Bình Dương, không thể ngủ được vì đau đáu lo số tiền bồi thường xe.

Danh Tuấn lo lắng vì không biết kiếm đâu ra tiền để đền
ẢNH: CẢNH AN

Thủ đoạn dàn cảnh trộm xe táo tợn của bọn trộm khiến cư dân mạng phẫn nộ và đồng cảm với hoàn cảnh bi đát của Tuấn.Gặp Danh Tuấn, anh bảo vệ bị dàn cảnh trộm 2 chiếc xe trong nháy mắt, chàng trai vẫn thất thần, lo lắng vì giá trị của 2 chiếc xe bị mất hơn 70 triệu đồng. Lương của Tuấn chỉ 5,5 triệu đồng/tháng, phải lo cho cả gia đình ở quê.

Bất lực vì dàn cảnh quá tinh vi

Tuấn kể, trưa đó anh trực bảo vệ một mình tại cửa hàng (ở TX.Bến Cát) thì có một thanh niên vào bẻ khóa xe Sirius dắt đi thản nhiên. Tuấn chạy đến yêu cầu trình thẻ xe thì người này nói có vợ đang mua đồ trong cửa hàng. Tuấn tiếp tục đề nghị người này đưa thẻ xe thì một người khác ở ngoài giả vờ gọi Tuấn để hỏi đường. Mất cảnh giác, Tuấn đi ra thì người kia lên xe máy phóng đi. Sự việc xảy ra quá nhanh khiến Tuấn trở tay không kịp. Cùng lúc đó ở một góc khác 2 thanh niên đã trộm một chiếc xe máy khác. Tổng giá trị 2 chiếc xe bị mất là 76 triệu đồng. Tuấn buồn rầu: “Em rất lo lắng vì giá trị của 2 chiếc xe lớn, em không biết làm đến bao giờ mới đủ tiền đền. Sắp tết rồi em cũng không biết lấy tiền đâu”.

Bọn trộm dàn cảnh trộm xe 2 góc và chạy đi trước sự bất lực của bảo vệ
ẢNH: CẮT TỪ CLIP

Bà Nguyễn Thu Hà (49 tuổi), tiểu thương tại khu chợ đối diện, người chứng kiến toàn bộ sự việc, cho biết: “Khu này dân tứ xứ thập phương đổ về nên trộm cướp manh động. Chỉ tội cậu bảo vệ đó, không biết lấy tiền đâu mà đền. Tôi định gần tết có thể qua cho cậu đó chút tiền để về quê”. Đại diện cửa hàng cho biết cửa hàng thuê nhân viên bảo vệ, khi mất xe thì bảo vệ phải chịu hoàn toàn trách nhiệm. Từ khi xảy ra vụ việc, cửa hàng cũng bị ảnh hưởng ít nhiều, do vậy người đại diện từ chối chia sẻ thông tin chi tiết.

Chàng trai có hiếu

Ông Đặng Thanh Tòng, Giám đốc công ty bảo vệ nơi Tuấn làm, cho biết công ty vẫn chưa làm việc với Tuấn để xác định bồi thường. “Công ty đang làm việc với người bị mất xe và cơ quan công an để xác minh, làm rõ trách nhiệm của nhân viên công ty. Trước mắt công ty sẽ thanh toán thiệt hại cho người bị mất, sau đó tùy vào hoàn cảnh lúc Tuấn làm việc sẽ có cách xử lý khác nhau. Nếu Tuấn làm mất xe trong trường hợp bất khả kháng thì có thể công ty sẽ hỗ trợ 90%, Tuấn chỉ chịu 10% giá trị của 2 chiếc xe”, ông Tòng nói. Ông Tòng cũng cho biết thêm nếu xác định việc mất xe là do lỗi của Tuấn lơ là, chủ quan, thiếu cảnh giác khi làm việc thì anh phải chịu trách nhiệm đền bù, công ty chỉ hỗ trợ một phần.Danh Tuấn là con trai út trong gia đình có 5 anh chị em tại xã Minh Hòa, H.Châu Thành, Kiên Giang. Ba mất sớm, hoàn cảnh gia đình khó khăn nên Tuấn phải nghỉ học từ năm lớp 8. Tháng 9.2020, Tuấn rời quê một mình lên Bình Dương làm bảo vệ mới được 2 tháng thì xảy ra sự việc. Tuấn tâm sự: “Khi mạng xã hội lan truyền clip lúc mất xe thì mẹ em mới biết. Mẹ gọi an ủi động viên em cố gắng, em cũng nói với mẹ sẽ ở lại làm để đền tiền mất xe”. Tuấn làm hai ca 15 tiếng và 7 tiếng/ngày xen kẽ nhau suốt tuần. Tuấn chỉ tiêu 2 triệu đồng tiền ăn uống, sinh hoạt, còn lại gửi về cho mẹ ở quê. “Sáng nay cũng có người đến cho em 2 triệu. Dù số tiền phải bồi thường rất lớn, nhưng được sự giúp đỡ từ mọi người khiến em cảm thấy được chia sẻ, cố gắng hơn nữa để đền xe. Em mong mọi người cẩn trọng giữ gìn tài sản của mình khi tết cận kề”, Tuấn tâm sự.Ngày 7.1, Công an TX.Bến Cát (Bình Dương) cho biết đang truy bắt nhóm trộm cắp tài sản này, đồng thời cảnh báo hành vi, thủ đoạn mới của loại tội phạm này. Qua điều tra, trích xuất camera, công an xác định có 2 nhóm tham gia dàn cảnh đánh lạc hướng bảo vệ để trộm xe. Khi nhóm 1 gồm 2 người vừa trộm thành công thì nhóm khác 3 người đi 2 xe đến bãi xe tiếp tục bẻ khóa và lấy trộm thêm 1 xe máy. Công an cho biết đây là thủ đoạn trộm tài sản mới do nhóm từ 3 – 5 người cùng thực hiện, có phân công vai trò, vị trí cụ thể, đích nhắm là điểm trông giữ xe của siêu thị, trung tâm mua sắm, cửa hàng bãi xe không có hàng rào bảo vệ… Công an khuyến cáo người dân, đặc biệt là các cửa hàng phải yêu cầu bảo vệ, người đến mua sắm nâng cao cảnh giác đề phòng thủ đoạn trộm cắp này.

Đỗ Trường

Nguồn: https://thanhnien.vn/

Trộm ATM tháo chạy khi chuông báo động và bảo vệ phát hiện

Ngày 25.11, Công an TP.Thủ Dầu Một (Bình Dương) cho biết vẫn đang tích cực điều tra, truy bắt nghi can cạy ATM để trộm trên địa bàn P.Hoà Phú.

Trụ ATM bị phá hỏng đang được niêm phong

Trước đó, khoảng 2 giờ ngày 24.11, trụ ATM của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank) nằm trên đường D27 (P.Hoà Phú, TP.Thủ Dầu Một) bị đột nhập, cạy phá trộm tiền.

Tuy nhiên, thời điểm này chuông được gắn ở trụ ATM đã báo động liên hồi nên bảo vệ của một công ty ở gần đó đã chạy lại xem xét nên tên trộm vứt bỏ đồ nghề, tháo chạy thoát thân.

Trụ ATM được đặt ngay gần cổng bảo vệ của một công ty

Sau đó, Công an TP.Thủ Dầu Một đến khám nghiệm hiện trường, điều tra truy bắt thủ phạm.

Qua trích xuất camera an ninh, công an thu thập được hình ảnh của một nam thanh niên mang khẩu trang kín mặt đã đi vào trụ ATM lúc gần 2 giờ cùng ngày 24.11.

Đại diện ngân hàng cũng đã xác nhận số tiền chưa bị lấy đi nhưng một số bộ phận của trụ ATM đã bị phá hỏng. Công an cũng thu giữ một số tang vật liên quan để điều tra làm rõ vụ trộm tiền ở máy ATM này.

Nguồn: Thanhnien.vn

Chính sách của Biden có thể tác động gì đến kinh tế Việt Nam?

Dưới thời Joe Biden, nhiều chuyên gia kỳ vọng Mỹ quay lại TPP và các chính sách thương mại với Việt Nam sẽ phù hợp hơn.

Việt Nam là quốc gia có diện tích, dân số lớn, vị trí cửa ngõ đi vào châu Á từ Thái Bình Dương và gần đây trở thành tâm điểm chú ý trong chính sách của các nước, trong đó có Mỹ. Với vị trí ấy, ông Đào Trần Nhân, cựu Tham tán công sứ thương mại thương vụ Việt Nam tại Mỹ nhận định, Việt Nam luôn nhận được sự quan tâm từ phía Mỹ, cho dù ai là tổng thống.

Dựa vào những gì trong quá khứ, vẫn có thể tìm thấy được những nét chung mà bất cứ tổng thống Mỹ, đến từ đảng nào, cũng sẽ duy trì và phát triển quan hệ kinh tế, ngoại giao với Việt Nam.

Nhiều chuyên gia khác cũng cùng quan điểm này. Chuyên gia kinh tế Nguyễn Đức Thành cho rằng, hướng quan hệ kinh tế của Mỹ giữa các Đảng không có quá nhiều khác biệt trước những vấn đề lớn, chỉ khác nhau về cách thức thể hiện ra bên ngoài.

Trong 25 năm Việt – Mỹ thiết lập quan hệ ngoại giao, nước Mỹ đã trải qua 4 đời tổng thống với sự luân phiên “đổi màu” giữa đảng Dân chủ và Cộng hoà theo chu kỳ 8 năm. Dù vậy, hai nước vẫn đạt được sự xuyên suốt trong khuôn khổ về quan hệ Đối tác toàn diện với 9 trụ cột hợp tác, từ chính trị, ngoại giao, kinh tế…

“Từ thời Tổng thống Obama, hướng xoay trục của Mỹ là từ Đông Tây Dương sang Châu Á- Thái Bình Dương và điều đó không thay đổi tới nay. Vì thế, Việt Nam luôn có vai trò quan trọng trong trật tự mới này”, ông Thành bình luận.

Joe Biden, khi còn là Phó tổng thống Mỹ, bắt tay Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng trong bữa tiệc trưa tại Bộ Ngoại giao Mỹ ở Washington, D.C ngày 7/7/2015. Ảnh: Bộ Ngoại giao Mỹ.

Hy vọng Mỹ quay lại TPP

Chia sẻ với VnExpress, ông Đặng Hoàng Hải Anh, giáo sư thỉnh giảng đại học Indiana (Mỹ) còn đánh giá, các chính sách của Mỹ dưới thời Biden sẽ “thuận lợi hơn với Việt Nam”. Nhận định này được ông đưa ra từ quan điểm cởi mở của Biden về tự do thương mại. Khác với Trump, khi tranh cử, Biden cho thấy sự ủng hộ tự do hoá thương mại toàn cầu, giảm bớt các chính sách bảo hộ.

“Biden ủng hộ việc khôi phục lại Hiệp định thương mại TPP (nay là CPTPP) mà Trump đã loại bỏ 4 năm trước. Hiệp định này có rất nhiều ưu đãi cho các nước tham gia, trong đó có Việt Nam”, ông Hải Anh nói.

Ông Nguyễn Xuân Thành, giảng viên Đại học Fulbright cũng cho rằng có nhiều hy vọng về sự quay lại của người Mỹ với Hiệp định TPP nay là CPTPP. Tuy nhiên, ông cũng đánh giá cơ hội không quá cao dưới những áp lực và các vấn đề thiết yếu mà đảng Dân chủ phải chú trọng sau khi nắm quyền.

Trong bối cảnh thặng dư thương mại của Việt Nam với Mỹ liên tục tăng và đạt hơn 62 tỷ USD vào 10 tháng đầu năm, Bộ Tài chính Mỹ cho rằng tiền đồng của Việt Nam bị định giá thấp hơn khoảng 4,7% so với USD trong năm 2019.

Hai vấn đề còn nhiều ý kiến trái chiều này, dưới góc nhìn của chính quyền Biden, cũng được các chuyên gia đánh giá có thể không nhiều áp lực như thời Trump”.

“Biden vẫn quan tâm đến thâm hụt thương mại và thao túng tiền tệ ở các nước, trong đó có Việt Nam, nhưng không đi theo hướng gây nhiều áp lực như Trump”, ông Michael Piro, COO Indochina Capital nhận định. Hay nói cách khác, cách xử lý của Biden sẽ khéo léo hơn.

Đồng tình, ông Nguyễn Xuân Thành cũng đánh giá áp lực của vấn đề này dưới thời Biden sẽ nhẹ nhàng hơn và điều này là một tin tốt khi có thể giúp giảm rủi ro vào năm 2021 cho Việt Nam.

Dịch chuyển dòng vốn FDI và FII

Mặt khác, chính sách thương mại và đối ngoại của đảng Dân chủ có sự mềm mỏng và ôn hoà hơn so với chính sách “American first” (Nước Mỹ trên hết) của Trump. Do đó, theo ông Đặng Hoàng Hải Anh, quan hệ thương mại giữa chính quyền Biden và Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam, nhiều khả năng không chỉ dựa trên yếu tố hai bên cùng có lợi mà còn có thể có những ưu đãi nhất định.

“Mỹ cần một đồng minh với lợi thế địa chính trị như Việt Nam. Như vậy, Việt Nam vẫn có nhiều điều kiện để có thể thu hút được dòng vốn FDI chất lượng cao”, ông nói.

Điểm chung của cả Biden và Trump là vẫn ủng hộ thương chiến Mỹ – Trung và cuộc đối đầu công nghệ giữa hai siêu cường sẽ không kết thúc. “Chính quyền Trump đã thay đổi cuộc đối thoại, cách tiếp cận, cách nhìn về Trung Quốc mãi mãi”, Clete Willems, cựu Phó giám đốc Hội đồng Kinh tế Quốc gia trong chính quyền Trump bình luận.

Không phải tất cả đều đồng ý với Willems, nhưng các chuyên gia quốc tế từ nhiều lĩnh vực cũng thừa nhận quan hệ thương mại của Mỹ với Trung Quốc hoặc bất kỳ nơi nào khác sẽ không dễ dàng bình thường hoá.

“Về mặt chính sách, dù đảng nào nắm quyền, với áp lực của nền chính trị Mỹ, Washington sẽ tiếp tục mạnh tay với Bắc Kinh. Ông Biden nắm quyền cũng không chấm dứt thương chiến”, ông Xuân Thành nhận xét. Dưới áp lực này, sự dịch chuyển của chuỗi cung ứng từ Trung Quốc sang các nước khác, trong đó có Việt Nam sẽ tiếp tục. Điều này nhằm đảm bảo các khoản đầu tư của Mỹ cũng như các nước đồng minh được tự chủ, an toàn hơn, tránh phụ thuộc quá nhiều vào một nền kinh tế.

Tuy nhiên, Việt Nam không phải là điểm đến duy nhất của dòng chuyển dịch. Thương chiến và Covid-19 vẫn là rủi ro tiềm ẩn. Sự kết hợp của hai yếu tố này cũng góp phần thúc đẩy các doanh nghiệp toàn cầu đầu tư ngược trở lại nước sở tại, bao gồm các doanh nghiệp Bắc Mỹ và châu Âu.

Joe Biden phát biểu tại Wilmington, Delaware, ngày 6/11. Ảnh: Reuters.

Bên cạnh sự dịch chuyển của dòng vốn FDI, dòng chảy của vốn đầu tư gián tiếp (FII) vào Việt Nam cũng được giới chuyên gia đặt nhiều kỳ vọng khi nền kinh tế lớn nhất thế giới có tân tổng thống.

CNN cho biết, Phố Wall và các lãnh đạo doanh nghiệp Mỹ không lo ngại khi Joe Biden thắng cử, do một số ưu tiên sự ổn định sau nhiệm kỳ đầy biến động của Trump.

Tuy nhiên, vẫn có thể có những nhà đầu tư không thích vì Biden muốn tăng thuế doanh nghiệp và thuế thặng dư vốn. Chính trị gia 78 tuổi cũng dự định nâng thuế lợi nhuận thu từ nước ngoài và mạnh tay với những khoản tránh thuế của các công ty công nghệ lớn. Vì vậy, một số dự đoán cho rằng, thị trường cổ phiếu Mỹ sẽ sụt giảm trong ngắn hạn trước khi quay đầu tăng trưởng trong trung và dài hạn.

Ông Andy Ho, Trưởng bộ phận đầu tư của VinaCapital từng đánh giá, khi trái phiếu được giao dịch ở mức lãi suất âm, lãi suất tiền gửi có kỳ hạn cũng ở mức dưới 0 ở nhiều nền kinh tế phát triển, việc chuyển dòng tiền đầu tư sang những nền kinh tế mới nổi như Việt Nam là một lựa chọn hấp dẫn.

Chia sẻ tại một hội thảo mới đây, Andy Ho cho rằng, về trung hạn, khi Biden làm tổng thống, khả năng dòng vốn FII vào Việt Nam vẫn tốt hoặc hơn. “Có rất nhiều tiền lẫn cơ hội ở châu Á, nên nhà đầu tư có thể sẽ tìm đến Việt Nam để kiếm lợi nhuận cao hơn. Hãy nhìn Ant khi họ dự định IPO, để thấy khả năng hút vốn của nó”, ông Andy Ho nói.

Ông Lê Anh Tùng, chuyên gia cao cấp chiến lược thị trường của Công ty chứng khoán KBSV cho rằng, thị trường chứng khoán có thể được thúc đẩy. Như tín hiệu về khả năng trở lại đàm phán Hiệp định CPTPP cũng trở thành cú hích lớn, tác động lên tâm lý nhà đầu tư vào Việt Nam. Thị trường chứng khoán trong nước cũng sẽ giảm những cú sốc, trở nên ổn định hơn khi thị trường tại Mỹ không còn bị tác động mạnh do các chính sách không nhất quán, phi truyền thống của Trump.

Trong khi đó, ông Nguyễn Khắc Quốc Bảo, Trưởng khoa Tài chính, Đại học Kinh tế TP HCM lại đưa ra quan điểm khác. Ông cho rằng trong ngắn hạn, phản ứng của thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ tiêu cực do tin Biden thắng cử không phải là thông tin mong đợi của nhà đầu tư.

Giới đầu tư thường kỳ vọng vào một thị trường sôi động có tăng có giảm, giá lên giá xuống hơn một thị trường ổn định. “Với thực tế 80% giao dịch tài chính là đầu cơ và chỉ 20% mang tính chất đầu tư dài hạn, họ thích sự bất ổn bởi đó là cơ hội kiếm lời nhanh chóng”, ông nói. Tuy nhiên, về dài hạn, dưới thời Biden, thị trường chứng khoán tại Mỹ, liên đới đến các quốc gia khác vẫn duy trì sự ổn định.

Phương Ánh – Quỳnh Trang – Viễn Thông

Nguồn: https://vnexpress.net/

Điều kỳ diệu giữa tang thương Trà Leng

Ít nhất 3 vụ sạt lở núi liên tiếp xảy ra tại tỉnh Quảng Nam đã khiến 19 người chết, hàng chục người mất tích, hơn 33 người may mắn thoát chết

Do ảnh hưởng của bão số 9, trong ngày 28-10, tại 2 huyện miền núi Nam Trà My, Phước Sơn của tỉnh Quảng Nam đã xảy ra hàng loạt vụ sạt lở đất kinh hoàng.

Tìm kiếm những người mất tích tại xã Trà Leng, huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam. Trong đó, nhiều người may mắn thoát chết (ảnh trên). Ảnh: AN BẰNG

Thoát chết trong gang tấc

Đến chiều 29-10, sau nhiều giờ đi bộ, phóng viên Báo Người Lao Động đã tiếp cận hiện trường vụ sạt lở kinh hoàng cướp đi sinh mạng của hàng chục người tại thôn 1, xã Trà Leng, huyện Nam Trà My.

Đoạn đường từ cổng chào xã Trà Leng đến nóc Ông Lục (thôn 1) dài chưa đầy 10 km nhưng xuất hiện vô số điểm sạt lở lớn nhỏ. Đất đỏ hòa với nước lũ đổ tràn từ đỉnh núi, nhiều đoạn sình lầy lút đến nửa người. Máy xúc, máy ủi cùng nhân lực được huy động tối đa với mục tiêu thông tuyến trong thời gian sớm nhất.

Sau khi vượt qua một ngầm nước, thôn 1, xã Trà Leng hiện ra hoang tàn, đổ nát. Ngôi làng bị san bằng. Lực lượng công binh cùng người dân nén nước mắt dùng tay trần, đào từng lớp đất, đá tìm kiếm thi thể người thân. Cách đó không xa, trên các ngọn đồi trồng quế, những nấm mồ mới được đào lên, phủ bạt vội vàng. Đây là nơi yên nghỉ của các nạn nhân. Họ được chôn ngay cạnh nhà ở nơi chôn nhau cắt rốn của mình.

Dường như vẫn chưa định thần sau khi thoát chết, bà Hồ Thị Diêu (trú thôn 1) kể rằng chiều 28-10, bà cùng chị gái trú bão ở nhà một người tên Sơn. Mưa to nhiều giờ, sấm chớp rền vang. Căn nhà 2 tầng tưởng vững chãi nhưng cũng rung lên liên hồi khiến bà không khỏi lo lắng.

Sau đó, bà Diêu bất ngờ nghe tiếng nổ lớn. Một tảng đá to lăn từ đỉnh núi xuống đè nát căn nhà đối diện. Bà chỉ vội kéo người chị và con trai đạp cửa bỏ chạy. “Lúc đó, tôi bị bùn đất đổ xuống, ép vào lồng ngực. Đau lắm nhưng cố nắm tay con trai chạy thẳng đến điểm trường nóc Ông Lục mới thoát chết. Ông Sơn cùng nhiều người trong căn nhà đó đến giờ vẫn chưa thể tìm ra” – giọng bà Diêu lạc đi vì sợ hãi.

“Cố gắng nhẹ chân vì đồng bào tôi còn nằm dưới đó!”

Trên đường vào nóc Ông Lục, phóng viên bắt gặp nhiều người dùng võng, cầm theo bình truyền nước vội vã đưa những nạn nhân còn sống sót ra ngoài. Vừa đưa một nạn nhân vượt hơn 15 km đường núi, anh Nguyễn Trọng Tấn (SN 1989, trú thôn 2, xã Trà Leng) cho biết từ 5 giờ cùng ngày, hàng trăm người dân đã tập hợp, cùng với chính quyền cứu hộ những người may mắn sống sót.

“Toàn thôn bị san phẳng như một sân đá bóng. Mọi người cố gắng gọi tên nhau, tìm kiếm người còn sống trong đống bùn đất. Đất lún, sình lầy nhưng ai cũng cố gắng nhẹ chân vì đồng bào tôi còn nằm dưới đó!” – anh Tấn nghẹn ngào.

Ở bên ngoài thôn, nén hương do ông Hồ Tấn Cường thắp cho em ruột là anh Hồ Văn Mười đã gần tàn. Ông Cường cho hay mấy hôm trước, anh Mười có hẹn giao củi cho một nhà tại thôn 1. Vì tránh trú bão, ông Cường không về. Hôm nay, khi nghe tin về Trà Leng, ông Cường linh tính chuyện không lành. Sau hơn 3 giờ băng rừng, ông Cường nhận được xác em trai.

“Cả nhà đã kịp thuê xe để đưa em về. Ngày trước, nó bảo đi có việc, tôi kêu lại nhưng không thấy nói gì, em trai tôi không nói gì với tôi cả lời sau cuối cùng. Thiên tai đòi hết cả làng đi cùng lúc, mẹ già, con thơ ở nhà còn không hay biết chuyện gì, ôi em trai tôi!” – ông Cường xúc động.

Đêm nay, nhiều người dân thôn 1, xã Trà Leng sẽ tạm trú tại điểm trường nóc Ông Lục, được lực lượng bộ đội Quân khu 5 hỗ trợ an toàn. Trong màn đêm tối mù mịt, người dân xã Trà Leng động viên nhau, nén nỗi đau để tiếp tục tìm kiếm những đồng bào còn nằm sâu dưới bùn đất.

Nỗi đau khôn nguôi của thân nhân những nạn nhân vụ sạt lở ở Trà Leng. Ảnh: HẢI ĐỊNH

ỗ lực tìm kiếm các nạn nhân còn lại

Vào thời điểm ở xã Trà Leng xảy ra sạt lở lớn thì ở xã Trà Vân của huyện Nam Trà My, 3 ngôi nhà thuộc thôn 1 cũng bị đất đá vùi lấp hoàn toàn. 8 người trong 4 gia đình tử vong. Ngôi làng này có 32 hộ, 215 nhân khẩu.

Ông Hồ Quang Bửu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, xác nhận cơ quan chức năng đã kết thúc tìm kiếm nạn nhân ở xã Trà Vân. Gia đình các nạn nhân đã tổ chức chôn cất 8 người tử nạn trong vụ sạt lở. Hình ảnh 8 chiếc quan tài xếp cạnh nhau, tiếng khóc ai oán cả một khoảng rừng khiến mọi người không khỏi đau lòng.

Chưa hết bàng hoàng sau 2 vụ sạt lở kinh hoàng ở huyện Nam Trà My và Bắc Trà My thì tin dữ ập đến. Thêm 1 vụ sạt lở đất khác ở thôn 3, xã Phước Lộc, huyện Phước Sơn khiến 11 người bị chôn vùi. Trong đó, đã tìm được 5 thi thể. Nhiều người đã may mắn chạy thoát nên giữ được tính mạng.

Những người may mắn sống sót được điều trị tại Trung tâm Y tế huyện Bắc Trà My. Ảnh: TRẦN THƯỜNG

Dù sạt lở xảy ra chiều 28-10 nhưng tới sáng hôm sau, người dân trong thôn mới có thể cắt rừng ra trụ sở UBND xã Phước Lộc trình báo sự việc. Trước đó, chiều 28-10, 2 cán bộ xã Phước Lộc trong quá trình giúp dân sơ tán cũng bị sạt lở đất, rơi xuống suối mất tích hiện chưa tìm thấy thi thể.

Đến tối 29-10, lực lượng cứu hộ vẫn chưa thể tiếp cận được hiện trường vụ sạt lở đất. Lãnh đạo UBND huyện Phước Sơn thừa nhận dù đã tìm nhiều cách nhưng do đường bị sạt lở nghiêm trọng, nước sông suối lớn và chảy xiết, các lực lượng cứu hộ gặp rất nhiều khó khăn.

Trong đêm, các lực lượng cứu hộ đành phải nghỉ lại tại cây cầu mang tên Nước Mắt, nơi cách điểm sạt lở khoảng 30 km.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Hồ Quang Bửu cho biết có 21 người may mắn chạy thoát tại 2 vụ sạt lở kinh hoàng ở xã Trà Leng và Trà Vân, huyện Nam Trà My. Đây là 21 người trong số trong số 53 người được xem là mất tích như thông tin ban đầu.

Sau một ngày nỗ lực tiếp cận hiện trường, đến chiều 29-10, các lực lượng tìm kiếm cứu nạn cứu hộ sau khi tiếp tục đi bộ gần 4 km đã đến được thôn 1, xã Trà Leng, huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam. Họ đã cùng với người dân địa phương đã tìm được 12 người bị thương nặng và 6 thi thể , đều là người dân ở thôn 1, xã Trà Leng. Những người bị thương đang được đưa đi cấp cứu tại Trung tâm Y tế huyện Bắc Trà My. Thi thể những người thiệt mạng đã được bàn giao cho người thân và chính quyền để lo hậu sự theo phong tục địa phương.

“Nguyên nhân sự cố kinh hoàng này bước đầu được xác định là do lũ ống dẫn đến sạt lở núi” – ông Hồ Quang Bửu cho biết thêm.

Hiện tại ở xã Trà Leng vẫn còn 14 người mất tích. Thiếu tướng Nguyễn Đình Tiến, Phó Tư lệnh Quân khu 5, đang tiếp tục chỉ huy công tác tìm kiếm cứu nạn, trong khi đó đường đến xã Trà Leng vẫn còn hơn 3 km bị sạt lở nặng, gây ách tắc giao thông.

Các phương tiện cơ giới hạng nặng đã được ngành giao thông tỉnh Quảng Nam tăng cường trong đêm để san ủi bùn đá, dọn dẹp cây cối đổ ngã, thông đường để các lực lượng tìm kiếm cứu nạn vào hiện trường, đẩy nhanh công tác tìm kiếm, cứu hộ.

Ông Lê Trí Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, trong ngày đã ban hành công văn về việc khẩn trương triển khai công tác cứu hộ, tìm kiếm các nạn nhân bị vùi lấp do sạt lở đất tại huyện Nam Trà My, Phước Sơn. Ông Thanh yêu cầu các địa phương, đơn vị liên quan huy động mọi nguồn lực sớm tìm kiếm các nạn nhân bị mất tích, việc tìm kiếm phải bảo đảm an toàn. Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cũng yêu cầu tổ chức thăm hỏi, hỗ trợ gia đình có người mất, bị thương, hỗ trợ tổ chức mai táng cho các nạn nhân đã tìm thấy thi thể theo tập tục của người dân địa phương.

Chủ động di dời dân cư khỏi vùng nguy cơ sạt lở
Tiếp theo Công điện số 1500/CĐ-TTg ngày 28-10, Thủ tướng Chính phủ vừa có Công điện 1503/CĐ-TTg yêu cầu khẩn trương cứu nạn, khắc phục hậu quả sạt lở đất trên địa bàn tỉnh Quảng Nam.Thủ tướng Chính phủ gửi lời thăm hỏi đến những người dân bị nạn và gửi lời chia buồn sâu sắc đến các gia đình có người thân bị thiệt mạng do sạt lở đất và biểu dương công tác tìm kiếm cứu nạn (TKCN) của các lực lượng.Để công tác TKCN các nạn nhân sạt lở đất được thực hiện khẩn trương, kịp thời, hiệu quả nhất, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và TKCN, Bộ Quốc phòng, Bí thư và Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, Tư lệnh Quân khu 5 và các đơn vị liên quan, tiếp tục tập trung chỉ đạo các lực lượng khẩn cấp tìm kiếm, cứu nạn các nạn nhân và phải bảo đảm tuyệt đối an toàn cho lực lượng tham gia TKCN. Các đơn vị tiếp tục rà soát, chủ động di dời dân cư ra khỏi các khu vực có nguy cơ sạt lở; theo dõi diễn biến thời tiết, kịp thời chỉ đạo triển khai công tác ứng phó mưa lũ, phòng tránh lũ quét, sạt lở đất, bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân, bảo đảm an toàn hồ đập và xử lý kịp thời các tình huống xấu có thể xảy ra.
V.Duẩn
200 công nhân thủy điện bị mắc kẹt
Ngày 29-10, ông Nguyễn Mạnh Hà, Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy Quảng Nam, cho biết do nước lớn, 200 công nhân đang thi công công trình thủy điện Đăk Mi 2 đang bị mắc kẹt bên kia dòng sông Đăk Mi (huyện Phước Sơn).Các công nhân bị mắc kẹt theo từng tốp khác nhau và đang “kêu cứu” vì thiếu lương thực. Các lực lượng chức năng của huyện Phước Sơn đang đưa lương thực đến bên này sông Đăk Mi để tiếp tế cho các công nhân nhưng gặp một số khó khăn. Trong trường hợp xấu nhất, tỉnh Quảng Nam sẽ đề xuất Bộ Quốc phòng điều máy bay thả lương thực xuống cho các công nhân.

Nguồn: https://nld.com.vn/thoi-su/dieu-ky-dieu-giua-tang-thuong-tra-leng-20201029235700461.htm

Xử phạt 2 người tung tin thất thiệt “cả trăm người chết do lũ”

Với hành vi đăng tải những nội dung thiếu chính xác về thiệt hại lũ lụt, 2 trường hợp tại Quảng Bình đã bị xử phạt mỗi người 5 triệu đồng.

Sáng 28/10, thông tin từ Công an tỉnh Quảng Bình cho biết vừa xử phạt 2 trường hợp đăng tải thông tin không chính xác về mưa lũ. 2 người bị xử phạt là Trần Nguyên T.A. (SN 1989) và Nguyễn Thị H.A. (SN 1987), cùng trú tại thành phố Đồng Hới.

Trước đó vào ngày 22/10, 2 người nói trên đã đăng tải thông tin khu vực xã Hồng Thuỷ, Lệ Thuỷ có cả trăm người chết do lũ lụt. Tuy nhiên, qua xác minh của cơ quan công an, đây là thông tin sai sự thật.

Facebook cá nhân của Trần Nguyên T.A. đăng tải thông tin thất thiệt.

Làm việc với Phòng An ninh Chính trị nội bộ, Công an tỉnh Quảng Bình, Trần Nguyên T.A. thừa nhận quá trình tham gia từ thiện tại xã Hồng Thuỷ, do tiếp nhận thông tin không đầy đủ nên đã vội vàng đăng tải thông tin trên mà không có sự kiểm chứng, gây hoang mang trong nhân dân.

Còn Nguyễn Thị H.A. thừa nhận, sau khi tiếp nhận thông tin trên Facebook đã copy nội dung rồi đăng trên tài khoản Facebook cá nhân.

Facebook của Nguyễn Thị Hồng A. đăng thông tin không kiểm chứng.

ơ quan công an đã quyết định xử phạt hành chính mỗi trường hợp vi phạm 5 triệu đồng.

Trước đó vào ngày 23/10, Thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông Quảng Bình cũng đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính 2 trường hợp đăng tải thông tin sai sự thật trên mạng xã hội Facebook về tình hình lũ lụt tại địa bàn xã An Thuỷ, Lệ Thuỷ với số tiền 5 triệu đồng/trường hợp.

Nguồn: https://dantri.com.vn/

Hàng trăm tàu thuyền của ngư dân Đà Nẵng được đưa lên bờ tránh bão số 9

Sáng nay, với sự giúp đỡ của bộ đội và dân quân, hàng trăm tàu thuyền tại Âu thuyền Thọ Quang và Mân Thái (huyện Sơn Trà) được đưa lên bờ neo đậu để tránh bão số 9.

Sáng 27/10 tại các Âu tàu Thọ Quang và Mân Thái (Quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng), người dân khẩn trương đưa tàu thuyền lên bờ để phòng tránh cơn bão số 9 đang tiến vào.
Các loại xe cẩu, xe nâng chuyên dụng được huy động tối đa để đưa thuyền bè từ mặt nước lên trên mặt đất.
Một số thuyền cỡ nhỏ của ngư dân được đưa lên bờ ở các mép bờ thấp so với mặt nước, dùng các con lăn và ván gỗ để đưa thuyền lên.
Với ngư dân, những chiếc thuyền không chỉ là ngư cụ kiếm sống mà còn là cả khối tài sản lớn của gia đình.
Sau đó xe nâng sẽ chở thuyền bè về nơi neo giữ trên bờ, nơi tránh gió lớn và sóng biển.
Một số thuyền nhỏ chỉ dùng đến các loại xe đẩy, kéo bằng sức người.
Một chủ tàu đang cố gắng dùng các đòn gỗ giằng chặn “ngôi nhà” thứ 2 của mình trên vỉa hè đường Lê Đức Thọ.
Tại đây, trong sáng nay cũng ghi nhận sự giúp đỡ của hàng chục chiến sĩ bộ đội của Ban chỉ huy Quân sự cùng dân quân thành phố Đà Nẵng.
Các chiến sĩ giúp người dân đưa các loại thuyền bè nhỏ như thuyền thúng lên bờ tránh bão.
Thuyền thúng là phương tiện đánh bắt ven bờ khá phổ biến với ngư dân các vùng biển Việt Nam. Tuy nhìn có vẻ nhỏ bé nhưng để đưa lên bờ phải cần tới cả chục người đàn ông mới khiêng nổi.
Trong thành phố, các loại xe chuyên dụng cũng đang khẩn trương cắt tỉa cây xanh, cành lớn khô mục dễ gãy đổ
Trong sáng nay, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng ra văn bản yêu cầu người dân không ra khỏi nhà từ 20h tối nay cho đến khi có thông báo mới.
Một cây cổ thụ nằm bên trong nhà dân được cắt trụi cành lá để đảm bảo an toàn tối đa khi bão đổ bộ.
Một số gia đình có nhà cửa, hàng quán dọc theo đường ven biển cũng đang hối hả gia cố mái che, khung cửa để tránh tốc mái, sập đổ trước gió lớn dự kiến ở tâm bão cấp 13, giật cấp 16.
Dự kiến tới 7h ngày 28/10, vị trí tâm bão ở 14,8 độ Vĩ Bắc; 109,5 độ Kinh Đông, ngay trên vùng biển từ Đà Nẵng đến Phú Yên. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 13 (135-150km/giờ), giật cấp 16. Gần trưa, bão sẽ đổ bộ trực tiếp vào đất liền.

Nguồn: https://dantri.com.vn/

Thanh tra giao thông sẽ không được dừng xe trên đường

Sáng 20/10, lãnh đạo Cục CSGT (C08), Bộ Công an (cơ quan xây dựng dự thảo Luật Đảm bảo ATGT) đã thông tin về những điểm mới của thảo dự án Luật Đảm bảo ATGT sau một số lần được điều chỉnh, bổ sung để trình Quốc hội trong tuần này.

Theo dự án Luật Đảm bảo ATGT, thanh tra giao thông sẽ không được dừng xe, kiểm tra trên đường
Ảnh: Anh Trọng

Đại tá Đỗ Thanh Bình, Phó Cục trưởng Cục CSGT, Bộ Công an cho biết, trong Luật Giao thông đường bộ năm 2008 đã quy định trách nhiệm của các bộ ngành, UBND các địa phương, tuy nhiên việc xác định cơ quan chịu trách nhiệm chính về trật tự ATGT đường bộ chưa rõ ràng, rành mạch dẫn đến chồng chéo khi tổ chức thực hiện. “Do đó trong Luật Bảo đảm trật tự ATGT đường bộ đã xác định nguyên tắc bảo đảm trật tự ATGT đường bộ là một nội dung của bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội… là trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân, trong đó Bộ Công an là cơ quan chịu trách nhiệm chính”, ông Bình thông tin.

Đối với công tác tuần tra, xử lý vi phạm trên đường, đại tá Đỗ Thanh Bình cho biết, thay vì hai lực lượng gồm CSGT và thanh tra giao thông được phép dừng xe kiểm tra như hiện nay, Luật Bảo đảm trật tự ATGT đường bộ chỉ quy định một lực lượng là CSGT.

Để mang lại hiệu quả tích cực trong công tác tuần tra, kiểm soát giao thông trên đường khi CSGT là lực lượng chính, ông Bình cho biết, sắp tới C08 sẽ tham mưu Bộ Công an thực hiện các ý kiến chỉ đạo của Chính phủ về việc áp dụng thang điểm cho bằng lái và sẽ trừ dần khi tài xế vi phạm thay vì tạm giữ nhiều hiện nay. Theo ông Bình, hiện nay công tác xử phạt vi phạm giao thông đang áp dụng quá nhiều hành vi vi phạm, riêng Nghị định 100 có tới 2.803 hành vi xử phạt, trong đó hành vi vi phạm dẫn đến tước bằng lái xe tạm thời là 985 hành vi – chiếm 33% các lỗi vi phạm. “Việc tước bằng lái xe nhiều là không cần thiết, vì sau đó khi xin lại bằng, tài xế-lái xe vẫn xem như chưa vi phạm gì. Vì vậy thời gian tới cần có quy định chặt việc này theo hướng không cần giữ bằng nhưng tài xế cứ vi phạm là bị trừ điểm trên bằng lái, bị trừ nhiều người vi phạm sẽ bị từ chối thi lại hoặc thu hồi bằng lái vĩnh viễn”, ông Bình thông tin.

Trả lời câu hỏi của PV về đấu giá biển số xe, ông Bình cho rằng, quy định về đấu giá biển số xe được đưa vào luật là đáp ứng nguyện vọng, nhu cầu của xã hội. Tuy nhiên để nội dung này đi vào thực tiễn, Bộ Công an đã sửa đổi một số nội dung để đưa vào luật, theo đó quy định chỉ cấm mua, bán trái phép biển số xe còn trường hợp mua biển số thông qua đấu giá là hợp pháp. Đồng thời dự thảo luật đã quy định cấp biển số thông qua đấu giá là một trong các hình thức cấp biển số xe, biển số sau đấu giá đảm bảo đầy đủ các quyền về tài sản gồm: quyền sử dụng, quyền chiếm hữu, quyền định đoạt.

Về phương án triển khai đấu giá biển số xe khi triển khai đến các tỉnh thành, ông Bình thông tin, Bộ Công an sẽ giao việc này cho một công ty độc lập đảm nhiệm, CSGT chỉ đóng vai trò quản lý, giám sát quá trình triển khai.

Nguồn: https://www.tienphong.vn

Ngủ trên ca nô, ăn lương khô giải cứu người trong lũ dữ

Thượng tá Trần Đức Tới, Trưởng Công an huyện Lệ Thủy, Quảng Bình cho biết, hơn 200 chiến sĩ tham gia cứu hộ người dân còn mắc kẹt trong vùng lũ. 

Lũ lớn. Nước ngập sâu. Nhà dân bị cô lập. Đội cứu hộ Công an huyện Lệ Thuỷ, Quảng Bình tung 100% lực lượng đi khắc nơi giữa mênh mông biển nước tìm kiếm người dân còn kẹt trong vùng lũ.

Cầm lái ca nô giữa sóng to, gió lớn đi tìm kiếm người dân đang gặp nạn, Thiếu tá Nguyễn Anh Hùng (Đội Cảnh sát giao thông – trật tự, Công an huyện Lệ Thủy) tập trung cao độ để giữ cho chiếc canô không va vào dây điện, cọc nhọn dễ bị lật chìm. Điện thoại anh Hùng reo liên tục. Anh vừa nhận chỉ đạo từ cấp trên vừa nhận cuộc gọi từ những người dân nhờ ứng cứu. 

Đi cùng với Thiếu tá Hùng còn có hai chiến sĩ, các anh cũng tham gia chiến dịch giải cứu từ những ngày nước mới dâng cao. “Suốt cả tuần nay anh em tìm kiếm liên tục cả ngày đêm. Ăn tạm lương khô, ngủ trên ca nô để tìm người dân còn bị kẹt lại trong lũ chưa ra được”- Trung úy Trần Công Hoàng Trung chiến sĩ tham gia cứu hộ chia sẻ.

Đội cứu hộ trên ca nô khi đi giữa đồng mênh mông nước, sóng to, gió lớn, khi len lỏi vào những khu nhà chật chội để tìm bằng được người còn mắc kẹt giữa dòng lũ dữ.

Các chiến sĩ tham gia cứu người nên không mang lương thực, chỉ có một ít lương khô ăn tạm. Người dân bơi thuyền theo các chiếc ca nô để xin lương thực cầm hơi, các chiến sĩ đã dùng phần lớn lương khô, nước suối của mình cho người dân vùng lũ.

Các chiến sĩ cũng có gia đình, người thân đang còn trong vùng lũ nhưng vì nhiệm vụ vẫn cùng đồng đội tham gia cứu hộ, cứu nạn.

Thiếu tá Nguyễn Anh Hùng chia sẻ vợ con anh cũng đang trong vùng ngập nhưng mấy hôm nay tham gia giải cứu còn chưa kịp về thăm nhà. 

Thượng tá Trần Đức Tới, trưởng Công an huyện Lệ Thủy cho biết: “Đội cứu hộ ưu tiên những trường hợp khẩn cấp, nguy hiểm như: bị cô lập, mắc kẹt nguy hiểm, phụ nữ sắp sinh, những ca tai nạn cần ứng cứu”.

“Đây là cơn lũ lịch sử, chưa từng xảy ra trên địa bàn Lệ Thủy, nên việc cứu dân phải là nhiệm vụ ưu tiên số một. Mỗi đội cứu hộ đã khẩn cấp cứu được hàng trăm người dân mắc kẹt trong lũ” – ông Tới nói thêm.

Thiếu tá Nguyễn Anh Hùng (Đội Cảnh sát giao thông – trật tự, Công an huyện Lệ Thủy) tham gia cứu hộ người dân còn mắc kẹt giữa lũ

Đội cứu hộ Công an huyện Lệ Thuỷ len lỏi vào nhà một hộ dân để giải cứu hai vợ chồng đang bị cô lập.
Vợ chồng anh Nguyễn Văn Hạt và Hoàng Thị Hà được lực lượng cứu hộ giải cứu.
Vợ chồng anh cho biết nước dâng nhanh không kịp di dời đi đâu.
Vợ chồng anh cho biết nước dâng nhanh không kịp di dời đi đâu. Hai vợ chồng ăn mì gói cầm cự 3 ngày nay. Hai con trâu trong nhà cũng đang ngoi ngóp nhưng không cách nào cứu ra được
.Đội cứu hộ Công an huyện Lệ Thuỷ đưa người dân vào vùng an toàn tránh lũ.
Người dân báo tin cho đội cứu hộ đến ứng cứu.

Người dân dùng thuyền nhỏ đưa thân nhân vào nhà tránh lũ.

Những người dân được đưa vào vùng an toàn để tránh lũ
Người dân tránh lũ trên nhà cao tầng. Những ngôi nhà một tầng nước ngập lên tới mái
Người dân leo lên nóc nhà tránh lũ.

Trương Thanh Tùng

Nguồn: https://vietnamnet.vn/

Thủ tướng Nhật Suga đến Hà Nội

Thủ tướng Nhật Bản Suga cùng phu nhân chiều nay đến sân bay Nội Bài, bắt đầu chuyến thăm chính thức Việt Nam kéo dài đến 20/10.

Chuyến bay của lãnh đạo Nhật Bản hạ cánh vào 18h, đúng như kế hoạch dự kiến.

Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc sẽ chủ trì lễ đón chính thức người đồng cấp Nhật vào sáng 19/10. Sau đó hai nhà lãnh đạo hội đàm, chứng kiến ký kết văn kiện và gặp gỡ báo chí. Ông Suga sẽ chào Tổng bí thư, Chủ tịch nước Việt Nam Nguyễn Phú Trọng, hội kiến Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, tiếp xã giao Trưởng ban Tổ chức Trung ương, Chủ tịch Nhóm Nghị sỹ hữu nghị Việt – Nhật Phạm Minh Chính.

Thủ tướng Nhật Bản Suga và Phu nhân tại sân bay Nội Bài chiều nay. Ảnh: Ngọc Thành.
Thủ tướng Nhật Bản Suga và Phu nhân tại sân bay Nội Bài chiều nay. Ảnh: Ngọc Thành.

Trong ngày 19/10, Thủ tướng Nhật tiến hành một loạt hoạt động khác của chuyến thăm, gồm gặp gỡ sinh viên Trường Đại học Việt – Nhật, viếng lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, thăm Nhà sàn, đặt vòng hoa tại Đài tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ. Tiệc chiêu đãi được tổ chức vào tối cùng ngày. Hôm sau, ông Suga sẽ rời Việt Nam đến Indonesia.

Việt Nam là điểm đến đầu tiên trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên của tân Thủ tướng Suga. Chuyến thăm của ông Suga diễn ra trong bối cảnh quan hệ Việt – Nhật đang phát triển tốt đẹp, Nhật Bản tiếp tục là đối tác kinh tế quan trọng hàng đầu của Việt Nam. Qua chuyến thăm, Thủ tướng Nhật muốn tiếp tục tăng cường quan hệ với Việt Nam, trao đổi các biện pháp nhằm thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực và trao đổi về các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm, theo bà Lê Thị Thu Hằng, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam.

Thủ tướng Nhật Bản và Phu nhân bước xuống máy bay. Ảnh: Ngọc Thanh.
Thủ tướng Nhật Bản và Phu nhân bước xuống máy bay. Ảnh: Ngọc Thành.

Giới quan sát nhận định Thủ tướng Nhật đến thăm Việt Nam khi Hà Nội đang là Chủ tịch ASEAN nhằm thể hiện sự ủng hộ vai trò trung tâm của Hiệp hội. Đồng thời, Nhật Bản muốn cùng Việt Nam xác định hướng hợp tác lâu dài do ảnh hưởng của Covid-19, đặc biệt là phối hợp trong chuỗi cung ứng toàn cầu mới.

Việt Nam và Nhật Bản thiết lập quan hệ ngoại giao từ năm 1973, đang duy trì khuôn khổ Đối tác chiến lược sâu rộng vì hòa bình và thịnh vượng ở Châu Á được thiết lập từ tháng 3/2014.

Nguồn: vnexpress.net

Tiếp tục cứu nạn vụ sạt lở núi vùi lấp 22 cán bộ chiến sĩ: Tìm thấy thi thể thứ 15

TTO – Hiện đường vào nơi đóng quân của Đoàn kinh tế quốc phòng 337 đã thông, xe cứu hộ đã vào được hỗ trợ. Sáng 19-10, các lực lượng tìm kiếm lại tiếp tục trở lại hiện trường đào bới để tìm kiếm thi thể các nạn nhân còn lại.

Tiếp tục cứu nạn vụ sạt lở núi vùi lấp 22 cán bộ chiến sĩ: Tìm thấy thi thể thứ 15 - Ảnh 1.

Trung tướng Nguyễn Tân Cương: Đồng chí, đồng đội mình đang nằm dưới đó; bằng mọi cách, nhanh chóng, tìm kiếm đưa anh em ra ngoài. – Ảnh: baochinhphu.vn

Sau buổi tối mưa thì đến sáng nay trời đã tạnh. Tuyến đường Hồ Chí Minh nhánh tây dẫn từ thị trấn Khe Sanh vào xã Hướng Phùng đã chính thức thông sau nỗ lực xử lý các điểm sạt lở lớn của các đơn vị chức năng.

Rạng sáng 19-10, đã có một xe cứu hộ của lực lượng cứu hộ cứu nạn Công an tỉnh Quảng Trị vào được hiện trường.

Quan sát của phóng viên Tuổi Trẻ cho thấy có khoảng 4-5 chiếc xe cứu thương đã có mặt trong doanh trại của Đoàn kinh tế quốc phòng 337.

Theo kế hoạch trong sáng nay những xe này sẽ đưa thi thể các nạn nhân đã được tìm thấy về bệnh viện tại TP Đông Hà.

Thân nhân các nạn nhân được lệnh rời đi sau khi 10 chuyến xe chở các thi thể được tìm thấy rời hiện trường. 

Được biết các thi thể này sẽ được đưa về nhà thi đấu thể dục thể thao tại đường Trường Chinh, TP Đông Hà. Tại hiện trường công việc tìm kiếm vẫn đang tiếp tục.

Tiếp tục cứu nạn vụ sạt lở núi vùi lấp 22 cán bộ chiến sĩ: Tìm thấy thi thể thứ 15 - Ảnh 2.

8h30, thân nhân các nạn nhân được lệnh rời doanh trại để di chuyển về nơi tổ chức truy điệu tại TP Đông Hà – Ảnh: QUỐC NAM

Tiếp tục cứu nạn vụ sạt lở núi vùi lấp 22 cán bộ chiến sĩ: Tìm thấy thi thể thứ 15 - Ảnh 3.

Lúc 7h30 sáng, đã có 3 xe cứu thương chở thi thể nạn nhân ra khỏi doanh trại. Việc canh gác tại cổng đơn vị này nghiêm ngặt hơn. Những người được giao nhiệm vụ này kiểm tra từng người ra vào khu vực.- Ảnh: QUỐC NAM

Tiếp tục cứu nạn vụ sạt lở núi vùi lấp 22 cán bộ chiến sĩ: Tìm thấy thi thể thứ 15 - Ảnh 4.

Đến sáng 19-10, đường đã thông nên xe của lực lượng cứu hộ cứu nạn đã vào đến hiện trường – Ảnh: QUỐC NAM

Danh sách 22 cán bộ, chiến sĩ Đoàn kinh tế – quốc phòng 337 (Quân khu 4) bị vùi lấp trong vụ sạt lở đêm 17, rạng sáng 18-10.

1. Lê Văn Quế – sĩ quan. Quê quán: Cam Thành, Cam Lộ, Quảng Trị (đã tìm thấy lúc 9h45 ngày 18-10)

2. Lê Hải Đức – sĩ quan. Quê quán: Lộc Ninh, Đồng Hới, Quảng Bình (đã tìm thấy lúc 8h50 ngày 18-10)

3. Phùng Thanh Tùng – sĩ quan. Quê quán: Nghi Hương, thị xã Cửa Lò, Nghệ An (đã tìm thấy lúc 15h13 ngày 18-10)

4. Phạm Ngọc Quyết – sĩ quan. Quê quán: Quảng Văn, thị xã Ba Đồn, Quảng Bình (đã tìm thấy lúc 14h15 ngày 18-10)

5. Nguyễn Cao Cường – quân nhân chuyên nghiệp. Quê quán: Cường Gián, Nghi Xuân, Hà Tĩnh (đã tìm thấy lúc 13h ngày 18-10)

6. Nguyễn Cảnh Trung- quân nhân chuyên nghiệp. Quê quán: Thượng Sơn, Đô Lương, Nghệ An (đã tìm thấy lúc 12h50 ngày 18-10)

7. Nguyễn Văn Thu – quân nhân chuyên nghiệp. Quê quán: Tăng Thành, Yên Thành, Nghệ An (đã tìm thấy lúc 14h45)

8. Lê Đức Thiện – quân nhân chuyên nghiệp. Quê quán: Định Tăng, Yên Định, Thanh Hóa (đã tìm thấy lúc 12h ngày 18-10)

9. Trần Văn Toàn – quân nhân chuyên nghiệp. Quê quán: Xuân Thành, Yên Thành, Nghệ An (đã tìm thấy lúc 13h ngày 18-10)

10. Trần Quốc Dũng – quân nhân chuyên nghiệp. Quê quán: Thị trấn Thạch Hà, huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh (đã tìm thấy lúc 14h20 ngày 18-10)

11. Bùi Đình Toản – quân nhân chuyên nghiệp. Quê quán: Quỳnh Thiện, thị xã Hoàng Mai, Nghệ An

12. Ngô Bá Văn – quân nhân chuyên nghiệp. Quê quán: Kỳ Lợi, Kỳ Anh, Hà Tĩnh

13. Lê Hương Trà – quân nhân chuyên nghiệp. Quê quán: Tiên Điền, Nghi Xuân, Hà Tĩnh

14. Lê Cao Cường – quân nhân chuyên nghiệp. Quê quán: Hưng Đạo, Hưng Nguyên, Nghệ An (đã tìm thấy lúc 8h30 ngày 18-10)

15. Lê Tuấn Anh – chiến sĩ. Quê quán: Cam Thành, Cam Lộ, Quảng Trị

16. Nguyễn Anh Duy – chiến sĩ. Quê quán: Hưng Tây, Hưng Nguyên, Nghệ An

17. Phạm Văn Thái – chiến sĩ. Quê quán: Hải Thành, Đồng Hới, Quảng Bình

18. Lê Sỹ Phiêu – chiến sĩ. Quê quán: Thuần Thiện, Can Lộc, Hà Tĩnh

19. Cao Văn Thắng – chiến sĩ. Quê quán: Hương Liên, Hương Khê, Hà Tĩnh (đã tìm thấy lúc 11h20 ngày 18-10)

20. Hồ Văn Nguyên – chiến sĩ. Quê quán: Hướng Sơn, Hướng Hóa, Quảng Trị

21. Lê Thế Linh – chiến sĩ. Quê quán: Phường 5, Đông Hà, Quảng Trị

22. Nguyễn Quang Sơn – chiến sĩ. Quê quán: Thái Sơn, Đô Lương, Nghệ An.

Nguồn. tuoitre.vn